Bài viết phân tích những nội dung chính trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người Việt Nam, đề xuất những giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ảnh minh họa
Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát triển con người Việt Nam
Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”1. Điều này thể hiện nhận thức ngày càng sâu sắc hơn của Đảng ta về vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa các nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa; là giải pháp quan trọng để phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”2. Mục tiêu duy nhất, cao cả nhất của Người là đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người. Vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng và trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Người luôn yêu cầu Đảng, Chính phủ phải phục vụ Nhân dân, việc gì có lợi cho Nhân dân thì phải làm, việc gì có hại cho Nhân dân thì phải tránh.
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, kế thừa nội dung về xây dựng con người ở những kỳ Đại hội trước, Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng không chỉ đặt ra vấn đề “đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam”, mà còn nhấn mạnh, làm rõ hơn yêu cầu: “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”3. Trong giai đoạn đất nước ngày càng phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng vào các tiến trình của thế giới, việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người sẽ đánh thức, khơi dậy thế mạnh đang còn ở dạng tiềm năng, chưa được phát huy ở mỗi con người vào các hoạt động kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội khác nhau.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đặc biệt ở thời kỳ trị vì đất nước của các triều đại phong kiến, tư tưởng về chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người luôn được chú trọng quan tâm để tạo sự đoàn kết, ổn định, phát triển đi lên trong toàn xã hội. Thời nhà Trần đã để lại những quan điểm, tư tưởng bất hủ cho hậu thế, với câu nói nổi tiếng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”; thời nhà Lê với những quan điểm, tư tưởng hết sức sâu sắc về chăm lo, bồi dưỡng sức dân của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu, bởi vì đó là cái gốc của lễ nhạc”, và “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta di sản lý luận, thực tiễn đồ sộ về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Người chỉ rõ: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Ðảng thì thành vô địch”4… Những quan điểm, tư tưởng trên không đề cập trực tiếp đến việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người, nhưng thông qua việc bồi dưỡng “sức dân”, khẳng định vị trí, vai trò của Nhân dân trong tiến trình lịch sử đã cho thấy từ các vương triều phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người toàn diện, nhất là những người “vừa hồng”, “vừa chuyên”, phục vụ cho sự nghiệp dựng xây và kiến thiết đất nước.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy sức mạnh con người vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng ta xác định: con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, xây dựng và phát huy nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Chính những quan điểm, chính sách hợp lý, đúng đắn đó đã đáp ứng được nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng đem lại những thắng lợi vẻ vang cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Nhấn mạnh đến yếu tố con người và coi con người là chủ thể của mọi hoạt động, sáng tạo, phát kiến thực hiện thắng lợi những yêu cầu, nhiệm vụ mà đại hội đảng các cấp đã đề ra. Đó là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điều đó đã khẳng định, Đảng ta không chỉ quan tâm xây dựng chủ trương, chính sách mà còn bằng những hoạt động thực tiễn, có chiến lược, kế hoạch chăm lo, bồi dưỡng phát triển con người cụ thể, sâu sắc để không ngừng hòa nhập với nền kinh tế thế giới. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”5.
Giải pháp triển khai thực hiện quan điểm chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát triển con người trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Để thực hiện có hiệu quả quan điểm Đại hội XIII của Đảng về giáo dục, bồi dưỡng và phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế tri thức, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và để thực hiện mục tiêu: “Xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”6, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, không ngừng chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, quan tâm về mọi mặt đối với con người.
Chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, quan tâm về mọi mặt đối với con người phải bằng những cơ chế, chính sách, hành động, việc làm cụ thể, đem lại những đổi thay cho cuộc sống của con người cả về vật chất và tinh thần. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”7. Theo đó, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là yếu tố quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, giao lưu hợp tác quốc tế; chú trọng đào tạo ra những con người có trình độ tay nghề cao, công tác ở những ngành, những lĩnh vực mũi nhọn, có khả năng nắm bắt và ứng dụng nhanh vào điều kiện thực tế của đất nước; xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với từng bậc học, chú ý đến việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho con người, nhất là thế hệ trẻ.
Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”8; giải quyết thỏa đáng lợi ích cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội thông qua những cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chịu hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Cần xây dựng chính sách đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, địa phương, hạn chế những bất công, bất bình đẳng trong xã hội như Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp”9. Đồng thời, có hình thức tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong xã hội để lan tỏa những việc làm tốt, khuyến khích, động viên mọi người noi gương, học tập và làm theo.
Hai là, phát huy giá trị sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Giá trị sức mạnh con người Việt Nam là sản phẩm của thực tiễn lịch sử, được đúc kết từ môi trường, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, có tác dụng thúc đẩy hoạt động của con người ngày càng phát triển để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và xây dựng đất nước phồn vinh.
Có thể khái quát một số nội dung cơ bản của giá trị sức mạnh con người Việt Nam, đó là: Tình làng nghĩa xóm, sự bao bọc, che chở, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn của con người Việt Nam; tính gắn kết cộng đồng trong một tập thể làng xã, rộng hơn là của cả dân tộc luôn là sức mạnh nội sinh, cội nguồn bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước; tính cần cù, chịu khó, thông minh luôn có trong mỗi con người Việt Nam… Theo đó, phát huy giá trị sức mạnh con người Việt Nam là hoạt động tích cực, chủ động của cấp ủy và chính quyền các cấp với cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của mọi người dân ở các ngành, lĩnh vực, bảo đảm chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đưa địa phương mình phát triển nhanh, bền vững.
Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”10. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để con người phát triển toàn diện mọi mặt. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các giá trị văn hóa con người được tỏa sáng ở mọi phương diện; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng những thiết chế văn hóa phù hợp với đặc điểm từng địa phương để con người có thể bộc lộ tiềm năng, thế mạnh của mình.
Ba là, kiên quyết đấu tranh, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật, nói và làm không đúng với chủ trương, đường lối của Đảng.
Đảng ta khẳng định: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”11, và nhấn mạnh thời gian tới cần phải: “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội”12. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức được vị trí, vai trò của giá trị con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị đối với con người, nhất là đối với người có tài năng, người tốt trong xã hội; tuyên truyền, giáo dục cho con người tránh xa các tệ nạn xã hội, không bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, kể cả các tầng lớp nhân dân.
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân ở các ngành, các lĩnh vực; kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cản trở, kìm hãm sự phát triển vươn lên của con người, không tạo điều kiện thuận lợi cho con người sáng tạo, cống hiến, phát triển, hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật; trái với phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào đặc điểm, truyền thống và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để có hình thức, biện pháp phát huy phù hợp. Ngày nay, mỗi người Việt Nam dù ở cương vị, chức trách nào phải luôn nêu cao bản lĩnh, có ý chí, khát vọng phấn đấu vươn lên ở mọi lúc, mọi nơi, kiên quyết đấu tranh trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động. Với ý chí kiên cường, sáng tạo và lòng yêu nước, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng; vững bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.
Nguyễn Huyền Trang
- Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an
Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước
Tâm Trag (st)
-----------------------------
Ghi chú
1, 3, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.65, tr.143, tr.231, tr.217-218, tr.28, tr.143, tr.144, tr.143, tr.143.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.66.
4. Sđd, tập 8, tr.276.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.127.