nguoi cach mang mau muc 1

Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Người cách mạng mẫu mực”, đăng trên báo Thanh Niên, số 61, năm 1926. Bài viết nêu lên 12 yêu cầu của một người cách mạng kiểu mẫu, bao quát về lý tưởng, tinh thần hy sinh, phẩm chất đạo đức, phương pháp công tác.

Trong đó, có đoạn “Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình1.

Người cách mạng mẫu mực trước hết phải là người có đạo đức cách mạng. Bởi “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, Người nhấn mạnh: Người có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, vì lợi ích chung mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình và đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng, thấm nhuần đạo đức cách mạng, sẽ giúp mỗi người khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá…

Người cách mạng kiểu mẫu mà Bác nói: “khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ” là một trong những phẩm chất đạo đức cần phải thấm nhuần. Khiêm tốn là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người. Con người khiêm tốn hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự mình đề cao vai trò của mình, không tự cao, tự đại. Khiêm tốn luôn đi liền vớisự nhã nhặn, luôn luôn hướng thượng, bao giờ cũng nêu cao tinh thần học hỏi. Chính sự khiêm nhường đáng quý mới tạo ra những điều tốt đẹp, mới tạo dựng niềm tin ở quần chúng, đồng chí, đồng đội. Với sự khiêm tốn sẽ ít xảy ra giận dữ hay xung đột, bất hòa. Còn người cách mạng phải “khoan hòa, lượng thứ” bởi lẽnói đến lãnh đạo là nói đến quan hệ giữa người lãnh đạo và đối tượng được lãnh đạo, trong đó vai trò của người lãnh đạo là dẫn đường cho đối tượng được lãnh đạo. Quan hệ lãnh đạo không loại trừ quyền lực cứng, nhưng chủ yếu dựa trên quyền lực mềm, trên sức mạnh của sự thuyết phục của người lãnh đạo và tinh thần tự nguyện của người được lãnh đạo.

Chính vì thế, “khoan hòa, lượng thứ” để nhìn khắp, thấy hết, không bỏ sót ai, mở rộng tối đa đối tượng được lãnh đạo; đồng thời “khoan hòa, lượng thứ” để chấp nhận khác biệt, để giáo dục, bồi dưỡng, nâng đỡ những đối tượng còn yếu kém, thậm chí đã từng lạc lối lầm đường; để công tâm, khách quan sử dụng, phát huy nhiều kiểu người tài; ngăn chặn, loại bỏ những tật bệnh có thể làm hỏng cán bộ...Qua đó, phát triển cả về lượng và chất đối tượng được lãnh đạo, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thành công. “Khoan hòa, lượng thứ” một cách khoa học, cách mạng và nhân văn còn tạo nên, củng cố, tăng cường sức hấp dẫn, cảm hóa của người lãnh đạo và vì thế, thực sự là một giá trị cốt lõi trong văn hóa lãnh đạo, một bí quyết thành công trong lãnh đạo.

Người cách mạng “can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình”. Đó chính là bản lĩnh chính trị của người cách mạng, là sự kiên định dám nói dám làm, khả năng độc lập suy nghĩ, quyết định và hành động, là sự tổng hợp biện chứng của lập trường chính trị, phẩm chất chính trị và năng lực chính trị; là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho mỗi cán bộ, đảng viên có định hướng chính trị đúng đắn, luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh thực tiễn và kiểm soát được hành vi, thái độ của mình trong mọi tình huống. Đó chính là sự vững vàng, kiên định, chủ động trong cả suy nghĩ và hành động trước những khó khăn, thách thức.Đặc biệt, người cách mạng luôn phải lấy dân làm gốc, theo quần chúng nhân dân, đừng tách mình ra khỏi quần chúng, phải hy sinh cho sự nghiệp chung, vì tập thể, vì dân tộc, tránh chủ nghĩa cá nhân. Bác đã nói: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm” đó là quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí...trói buộc, bịt mắt những nạn nhân của nó, khuyến khích lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân, không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Đó thực sự là kẻ thù nội xâm, là kẻ thù của tình đoàn kết và thương yêu lẫn nhau, và đó là “một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người cách mạng suốt đời phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy tính tiền phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực công tác đã góp phần làm nên những thành tựu bước đầu rất quan trọng của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, để thực sự trở thành người cách mạng mẫu mực như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi chúng ta cần tiếp tục trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực công tác, không ngừng nâng cao nhận thức về sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm vượt qua những thách thức mới của lịch sử. Cụ thể:

Một là, cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng phải nêu gương về đạo đức cách mạng, tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú; phải là tấm gương tự phê bình và phê bình, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú để cấp dưới noi theo; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, mưu cầu lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Quá trình thực hiện nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên dựa trên cơ sở các nội dung quy định, nội dung đăng ký thực hiện gắn với học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện nêu gương bắt đầu từ việc xây dựng nội dung, kế hoạch và cam kết thực hiện; thể hiện ở tác phong, tinh thần, thái độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; thể hiện trong quan hệ với cán bộ, đảng viên ở cơ quan, địa phương, đơn vị, với nhân dân nơi địa bàn cư trú.

Hai là, nói đi đôi với làm trong mọi mặt công tác và quan hệ với nhân dân. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu, nói trước, làm trước của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu phải thể hiện toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ để xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất. Trong đó, phải “khoan dung, độ lượng” với đồng chí, đồng sự của mình, tạo điều kiện để mỗi người phát huy sáng kiến, sáng tạo trong công tác, góp phần vào thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cán bộ, đảng viên phải nêu gương tự phê bình và phê bình một cách rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật, không nể nang, không thêm bớt trên tinh thần trân trọng nhân cách con người. Theo lời Người thì, trong công việc cũng như khi tiến hành tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên “phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau” và chú trọng “tinh thần nhân ái và lập trường cách mệnh” để thuyết phục, cảm hóa, tránh dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Điều quan trọng của sự nêu gương chính là tự mình soi, tự mình sửa và luôn “phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình”, giúp đồng chí mình sửa chữa khuyết điểm và ngày càng tiến bộ.

Ba là, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để “sửa chữa cán bộ và tổ chức ta” trong giám sát các cơ quan, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Tạo cơ chế pháp lý để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền các cấp thực hiện Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, các quy định về nêu gương trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống và ngăn chặn các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: cậy quyền, ỷ thế, lạm dùng quyền trong thi hành công vụ, chấp hành chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ quan công tác và địa bàn cư trú mà không sợ bị đe dọa, trả thù, trù úm... Thông qua đó, làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng trở thành việc làm thiết thực hằng ngày, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Để tăng cường sức mạnh đấu tranh làm thất bại những  luận điệu phản động, âm mưu “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phải hết sức coi trọng công tác tư tưởng và lý luận, xây dựng và nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên. Trước tình hình trong nước và thế giới diễn biến vô cùng phức tạp hiện nay, vừa đối phó với những âm mưu của các thế lực thù địch, vừa phải tự vượt qua những yếu kém, tồn tại của chính mình. mọi thành công và thất bại đều phụ thuộc trực tiếp vào phẩm chất và năng lực của Đảng. Và cốt lõi của vấn đề chính là phải xây dựng Đảng cầm quyền với đội ngũ “người cách mạng mẫu mực” ngày càng trong sạch, vững mạnh, là người lãnh đạo, là người “đầy tớ” thật trung thành của nhân dân./.

Kim Anh

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 514.

Bài viết khác: