Vị trí việc làm của công chức là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Khoản 3, Điều 7, Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Vị trí việc làm là một trong những căn cứ để tuyển dụng, nâng ngạch, điều động công chức.
Vị trí việc làm của công chức được quy định tại Luật cán bộ, công chức và cụ thể hóa tại Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. Nghị định này gồm 05 chương và 21 điều, có hiệu lực kể từ ngày 20/7/2020 và thay thế Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Theo đó, một số quy định cơ bản trong xác định vị trí việc làm công chức, cụ thể:
1. Căn cứ xác định vị trí việc làm
- Theo quy định hiện hành, vị trí việc làm công chức được xác định trên cơ sở:
+ Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;
+ Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Theo quy định cũ tại Nghị định 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ, căn cứ xác định vị trí việc làm công chức còn căn cứ vào mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; Vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự; Thực trạng bố trí, sử dụng đội ngũ công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Phân loại vị trí việc làm
- Vị trí việc làm công chức được phân loại dựa trên 2 tiêu chí:
+ Phân loại theo khối lượng công việc, gồm: Vị trí việc làm do một người đảm nhiệm; Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhiệm; Vị trí việc làm kiêm nhiệm.
+ Phân loại theo tính chất, nội dung công việc, gồm: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác); Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
- So với quy định trước đây tại Nghị định 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ vị trí việc làm được phân 3 loại như sau: Vị trí việc làm do một người đảm nhận; Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; Vị trí việc làm kiêm nhiệm thì việc phân loại vị trí việc làm hiện nay đã toàn diện, bao quát và rõ ràng hơn, bảo đảm tính chính xác, phù hợp trong xác định vị trí việc làm đối với công chức.
3. Điều chỉnh vị trí việc làm
- Việc điều chỉnh vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định vị trí việc làm.
+ Cơ quan, tổ chức được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định cũ việc thực hiện điều chỉnh vị trí việc làm khi cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức lại hoặc giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật, đô thị hóa, an ninh trật tự.
4.Thẩm quyền và trình tự phê duyệt vị trí việc làm
Cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương) căn cứ vào quy định trên và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình.
Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương tiếp nhận hồ sơ, thẩm định đề án vị trí việc làm, tổng hợp vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.
5. Hồ sơ, nội dung và thời hạn thẩm định đề án vị trí việc làm
- Hồ sơ trình đề án vị trí việc làm, bao gồm:
+ Văn bản đề nghị phê duyệt đề án vị trí việc làm;
+ Đề án vị trí việc làm;
+ Bản sao các văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Nội dung đề án vị trí việc làm
+ Cơ sở pháp lý của việc xây dựng đề án vị trí việc làm;
+ Thống kê và phân nhóm công việc theo chức năng, nhiệm vụ, tính chất, mức độ phức tạp của từng công việc trong cơ quan, tổ chức;
+ Xác định vị trí việc làm, gồm: Bản mô tả công việc, khung năng lực, ngạch công chức đối với từng vị trí việc làm;
+ Tổng hợp vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức;
+ Kiến nghị, đề xuất (nếu có).
- Nội dung thẩm định:
+ Hồ sơ trình phê duyệt đề án vị trí việc làm;
+ Cơ sở pháp lý của việc xây dựng đề án vị trí việc làm;
+ Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức.
- Thời hạn thẩm định
Trong thời hạn 40 ngày làm việc (đối với hồ sơ đề nghị phê duyệt lần đầu), 25 ngày làm việc (đối với hồ sơ đề nghị điều chỉnh) kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm thẩm định Đề án vị trí việc làm phải hoàn thành việc thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp cấp có thẩm quyền yêu cầu điều chỉnh hoặc không đồng ý thì cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm thẩm định phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hiện nay, việc xác định vị trí việc làm đặc biệt quan trọng, bản chất vấn đề là xác định cơ quan, tổ chức cần bao nhiêu vị trí việc làm và số lượng người làm việc cũng như yêu cầu của từng vị trí việc làm đối với công chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 27-NQ/TW: Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay hệ thống bảng lương hiện hành, bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Sự thay đổi trong chính sách mới này giúp chấm dứt tình trạng “cào bằng” trong trả lương. Khi đã mô tả công việc theo một khung năng lực, công chức đáp ứng yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó, sẽ được trả lương tương xứng công sức bỏ ra và kết quả đạt được./.
Kim Anh (tổng hợp)