Công tác kiểm tra, giám sát là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đảng, đó vừa là một chức năng, vừa là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng đã được thực tiễn cách mạng nước ta chứng minh trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hiện nay, khi đất nước ta bước vào giai đoạn cách mạng mới, vị trí và vai trò của công tác này lại càng được coi trọng bởi chỉ có làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì việc thực hiện đường lối, chính sách mới được hoàn thiện; và cũng chỉ khi nào thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thì mọi chức năng lãnh đạo của Đảng mới được hoàn thiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của các chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. “Có thể nói rằng: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vị sự thiếu kiểm tra”. Công tác kiểm tra, giám sát gắn liền một cách tất yếu với sự lãnh đạo của Đảng, vì sự lãnh đạo không chỉ là việc xây dựng đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; là việc tổ chức thực hiện và bố trí cán bộ, mà lãnh đạo còn là kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, Cương lĩnh chính trị, chủ trương chính sách, mà kiểm tra, giám sát ngay bản thân Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách đó và kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm đường lối, chính sách được xác định đúng, được quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là trách nhiệm, phương pháp, quy trình lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, sức chiến đấu, năng lực cầm quyền của Đảng ngày càng được tăng cường, để giữ vững được bản chất của Đảng, để nâng cao hơn nữa năng lực cầm quyền của minh thì phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát. Bởi sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng bắt nguồn từ sự đoàn kết, thống nhất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Để thực hiện được vai trò lãnh đạo và thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình trước giai cấp và dân tộc là tiến tới một nước Việt Nam giàu đẹp và hội nhập toàn diện, phải xây dựng Đảng vững mạnh trên tất cả các phương diện chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức cán bộ. Đảng phải tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự chỉnh đốn, tự đổi mới, chống mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, phải nâng tầm trí tuệ và phương thức lãnh đạo khoa học, bài bản và phải thực sự là một Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh, từ con người đến toàn bộ tổ chức, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Để làm tốt được điều đó, Đảng phải coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, hơn nữa có làm tốt công tác kiểm tra giám sát mới góp phần thiết thực vào việc phòng ngừa và khắc phục những nguy cơ có thể nảy sinh của Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chi Minh đã căn dặn: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương cho nhân dân. Do đó, mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức”.

Có thể nói, hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra giám sát là một hệ thống các quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Vận dụng tư tưởng của Người về kiểm tra, giám sát vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các phương diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ sẽ mang lại hiệu quả đồng bộ, lâu dài và đảm bảo cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng giành thắng lợi.

Thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng ta từ khi thành lập đến nay đã khẳng định, kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo phải có kiểm tra, giám sát, “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.

Như vậy, có thể thấy rằng, hiện nay Đảng đã vận dụng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực. Điều này được thể hiện qua việc tiến hành thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu ra được những cá nhân đừng đầu cho Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị những con người ưu tú, gưỡng mẫu, có đầy đủ phẩm chất chính trị và đạo đức tốt đẹp. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước đã triệt để xử lý không có vùng cấm những cá nhân, tổ chức thoái hóa về chính trị, tư tưởng, tham ô, tham nhũng và đây chính là một trận chiến trên mặt trận kiểm tra, giám sát của Đảng. Và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhận định: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được củng cố vững mạnh”.

          Để vận dụng tốt hơn nữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra giám sát vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, thiết nghĩ cần phải có những giải pháp cơ bản sau đây:

          Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức của tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tác động vào nhận thức của cán bộ, đảng viên tổ chức đảng và quần chúng nhân dân. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát để cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và quần chúng nhân dân nhận thức được vai trò quan trọng của mình góp phần đắc lực giúp tổ chức đảng tại đơn vị,cơ quan và nơi sinh sống làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Nắm vững được các quy định của Đảng, quy chế, quy trình trong hoạt động kiểm tra, giám sát và quan điểm, đường lối của Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ, chức năng trong kiểm tra, giám sát.

Thứ hai, phải coi kiểm tram giám sát trong Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng quy trình chuẩn, đồng bộ và có tính hệ thống để tất cả cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và quần chúng nhân dân nắm được. Và công tác này phải được tiến hành một cách thường xuyên và đồng bộ từ trên xuống dưới, tránh tình trạng thực hiện qua loa, chiếu lệ hoặc coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Thứ ba, phải nhấn mạnh đến yếu tố con người theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lựa chọn cán bộ sai thì sẽ dẫn đến việc thực hiện đường lối, chính sách cũng sai. Vì vậy, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải là những con người ưu tú, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, phải là những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, bởi kiểm tra, giám sát là một công việc khó khăn, phức tạp và có tính nhạy cảm cách mạng cao vì vậy đòi hỏi người làm công tác kiểm tra, giám sát không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải tinh tế, nhạy bén, hết mình vì lợi ích chung, phải là những con người có đạo đức cách mạng trong sách, có lý trí cách mạng vững vàng, kiên cường.

Thứ tư, việc xây dựng chương trình, kế hoạch, mục đích công tác kiểm tra, giám sát phải trọng tâm, đúng thời điểm, phải sát và trúng. Điều này để thực hiện được không phải là dễ dàng vì vậy phải có sự kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát muốn thực hiện được tốt, được trúng và đúng phải có sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân. Bởi ở đâu, khi nào nếu có được sự đồng lòng của quần chúng nhân dân thì mọi việc sẽ được thực hiện một cách trơn tru, dễ dàng. Công tác kiểm tra, giám sát là một hoạt động không nằm ngoài quy luật đó. Bất cứ mọi hoạt động nào của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cũng không bao giờ qua được con mắt của quần chúng nhân dân. Vì vậy, trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nếu được sự đồng lòng ủng hộ của quần chúng nhân dân sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Tóm lại, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát là một hệ thống những tưởng quan trọng và có ý nghĩa phương pháp luận đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện nay nói riêng và của công tác xây dựng đảng nói chung. Những quan điểm, tư tưởng của Người về công tác kiểm tra, giám sát đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị cả về lý luận, thực tiễn. Là những định hướng quý báu và quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát, vận dụng tư tưởng của Người vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay chắc chắn Đảng ta sẽ ngày một vững vàng và phát triển, xứng đáng là Đảng lãnh đạo đất nước và toàn dân tộc đi đến bến bờ của thắng lợi./.

ThS. Dương Quốc Thành
Học viện An ninh nhân dân

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội 2011, tr.636-637.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 362
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 197 - 198
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 317 - 318

Bài viết khác: