vb t9 21
Ảnh internet

1. Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021

Theo quy định, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định tại Nghị định này bao gồm:

(1) Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật.

(2) Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;

Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố sau: hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị.

(3) Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định khoản 2 Điều 110 của Luật Nhà ở.

Nghị định cũng nêu rõ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

2. Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021

- Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà đồng thời là người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng,… thì tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng.

- Thay đổi về tiền lương tính hưởng chế độ ốm đau: Người lao động tham gia BHXH bắt buộc khi bị ốm đau, tai nạn (không phải tai nạn lao động), nghỉ việc chăm con dưới 7 tuổi ốm từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên cơ sở mức lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Nếu các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

 - Thêm trường hợp chồng được hưởng trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con: Nếu cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần khi sinh con. Mức trợ cấp 1 lần = 2 tháng lương cơ sở/con.

- Về tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng lương hưu: Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

- Bổ sung quy định về trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng: Thời điểm xem xét tuổi đối với thân nhân của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội là kết thúc ngày cuối cùng của tháng người lao động chết. Khi giải quyết chế độ tử tuất nếu hồ sơ của thân nhân người lao động không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01/01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở giải quyết chế độ tử tuất.

3. Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi bổ sung một số điều của các Thông tư  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021

Theo Thông tư, một số nội dung mới được quy định như sau:

- Không phải nộp bản sao sổ hộ khẩu, CMND/CCCD khi làm sổ đỏ: Khoản 5 Điều 11 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, quy định trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp sổ đỏ không cần phải trình CMND/CCCD, sổ hộ khẩu vì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

  - Thêm 2 trường hợp đăng ký biến động quyền sử dụng đất được xác nhận vào Sổ đỏ: Trường hợp thay đổi diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định. Và trường hợp thửa đất được tách ra để cấp riêng giấy chứng nhận đối với trường hợp sổ đỏ đã được cấp chung cho nhiều thửa.

- Sửa đổi, bổ sung quy định ghi thông tin sổ đỏ đã cấp: Sử dụng từ “tặng cho” thay cho từ “hiến đất” để phù hợp với quyền của người sử dụng đất và thống nhất với các văn bản khác.

Quy định cụ thể cách ghi thông tin thay đổi vào sổ đỏ đã cấp đối với từng trường hợp thay vì một trường hợp như trước.

4. Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 05/9/2021

Thông tư quy định 2 hình thức đánh giá là bằng nhận xét và bằng điểm số. Trong đó, việc đánh giá bằng nhận xét, ngoài ý kiến chính của giáo viên, còn có sự tham gia phối hợp của học sinh, phụ huynh, và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học trò. Cả đánh giá bằng nhận xét và điểm số đều được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ.

Tuy nhiên, khác với các Thông tư quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT trước đây, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT cho phép một số môn chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Cụ thể, các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập theo môn học chỉ được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, Chưa đạt.

Đối với các môn học còn lại, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 và phải làm tròn đến chữ số thập phân thứ nhất nếu điểm là số nguyên hoặc số thập phân.

Thay vì xếp loại học lực Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 thì Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT vì đánh giá sự phát triển năng lực của người học theo yêu cầu cần đạt của chương trình, nên đánh giá kết quả học tập của người học theo 4 mức “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt” đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và 2 mức “Đạt, Chưa đạt” đối với môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thực hiện theo lộ trình sau: Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6; Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10; Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

5. Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, có hiệu lực thi hành ngày 09/9/2021

Theo đó, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được xây dựng theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng ở mức phấn đấu tích cực, khả thi. Cụ thể, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

Thông tư nêu rõ, xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập. Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

6. Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 15/9/2021

Nghị định nêu rõ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (mức chuẩn). Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.

Nghị định có các phụ lục quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng (Phụ lục I); mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (Phụ lục II); mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B (Phụ lục III); mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng (Phụ lục IV).

Theo đó, mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974 nghìn đồng.

Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; các chế độ ưu đãi khác.

Nghị định cũng bổ sung quy định người bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về Ưu đãi người có công với cách mạng mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5-20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này./.

Huyền Trang (tổng hợp)

 

Bài viết khác: