16. Sửa đổi lối làm việc - Phê bình và sửa chữa
…
Không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng. Họ quên rằng: Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết.
Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại.
Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi.
Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào (như tôn giáo, quốc dân thiểu số, anh em trí thức, các quan lại cũ, v.v.).
Từ nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết. Chính sách thành công thì kháng chiến mới dễ thắng lợi.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t5, tr.278)
17. Chủ nghĩa cá nhân
…
Nhờ ngọn lửa kháng chiến hun đúc rèn luyện mà cán bộ quân sự, chính trị, hành chính, chuyên môn đều tiến bộ nhiều và nhanh. Song vẫn còn một vài người, một vài cơ quan hãy chưa tẩy hết cái bệnh chủ nghĩa cá nhân. Bệnh ấy tỏ rõ ra nơi: Ngày thường, thì kỷ luật kém. Khi có vấn đề nghiêm trọng, thì hoang mang. Lúc tính toán công việc, thì đặt lợi ích của cá nhân mình, của nhóm mình lên trên lợi ích chung.
Bệnh ấy dễ đưa đến chỗ trái kỷ luật, trái lợi ích của dân tộc. Muốn tẩy sạch bệnh ấy, thì cần phải nâng cao trình độ giác ngộ của mình; phải học theo cái tinh thần kiên quyết, dũng cảm, hy sinh, của nhân dân và của chiến sĩ.
Có những đồng bào hy sinh cả gia tài, điền sản, để giúp kháng chiến. Có những chiến sĩ tưới dầu châm lửa vào mình, để đốt đồn địch. Đó là những người anh hùng, bỏ nhà, bỏ mình vì nước. Cái tinh thần cao cả vẻ vang ấy sẽ soi sáng muôn đời, và luôn luôn làm kiểu mẫu cho mọi người noi theo.
Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu. Kềnh càng. Kiêu ngạo. Chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức.
Muốn tẩy sạch bệnh ấy, thì phải:
Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Phê bình nhau và giúp nhau sửa chữa.
Phải vào sâu dân chúng, vào sâu bộ đội. Hỏi ý kiến và hỏi sáng kiến của quần chúng. Gom góp kinh nghiệm của quần chúng để giải quyết các vấn đề, và trao đổi những kinh nghiệm mới cho cơ quan khác, địa phương khác.
Công việc hàng ngày thì phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn.
Kháng chiến nhất định thắng lợi. Hồ Chủ tịch nói như thế.
Quân và dân ta đều tin tưởng chắc như thế.
Vì sao mà kháng chiến nhất định thắng lợi?
Vì bốn điều kiện:
- Đoàn kết chặt chẽ, quân dân nhất trí.
- Có con đường chính trị đúng.
- Có con đường quân sự đúng.
- Có sự chỉ huy khôn khéo mau lẹ, về chính trị cũng như về quân sự.
Điều 1, chúng ta đã làm được một phần lớn. Nay cần phải làm cho chặt chẽ thêm sự đoàn kết giữa bộ đội với bộ đội, giữa bộ đội với dân quân, giữa quân đội với nhân dân. Nâng cao cái tinh thần mcán bộ giúp đỡ chiến sĩ và nhân dân, quân đội giúp nhân dân, nhân dân giúp bộ đội.
Điều 2 và 3, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và cương quyết của Chính phủ kháng chiến, chúng ta đã sẵn có con đường chính trị và quân sự đúng. Chúng ta chỉ cần phải sửa chữa bệnh cá nhân, bệnh quan liêu, để theo cho đúng, làm cho kịp thời.
Điều 4, chúng ta có kinh nghiệm ba năm kháng chiến, hai cuộc luyện quân lập công, và phong trào thi đua ái quốc. Các cán bộ chỉ huy cần phải khéo dùng những kinh nghiệm ấy, và cố gắng đẩy mạnh phong trào thi đua lên nữa. Như vậy thì sự chỉ huy càng khôn khéo mau lẹ thêm.
Toàn dân đoàn kết. Tướng sĩ dũng cảm. Chính trị vững chắc. Chỉ huy khôn khéo. Bốn điều ấy hợp lại, làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi.
(Đăng trên Báo Sự thật, số 101, ngày 15-10-1948).
18. Thư gửi Hội nghị nông dân cứu quốc
…
Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân.
Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh.
Nông vận là phải:
- Tổ chức nông dân thật chặt chẽ.
- Đoàn kết nông dân thật khăng khít.
- Huấn luyện nông dân thật giác ngộ.
- Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc.
Vận động nông dân là phải vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Muốn như thế thì cán bộ nông dân phải tránh bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh giấy tờ.
Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã.
Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn.
Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ.
Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân.
Trong các cấp chính quyền cũng như trong các ban lãnh đạo Nông hội, phải có những anh em bần nông, cố nông tham gia thực sự. Các cán bộ (cả cán bộ nông vận và cán bộ chính quyền), làm đúng như thế và nhất định phải gắng làm đúng như thế, thì những công việc:
- Thi đua tăng gia sản xuất để diệt giặc đói,
- Thi đua học chữ quốc ngữ để diệt giặc dốt,
- Thi đua giúp đỡ bộ đội, xây dựng dân quân du kích để diệt giặc ngoại xâm.
Nhất định sẽ thành công tốt đẹp.
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, t.I, tr.318-319).
19. Vận động ngụy binh
Trên chiến trường Liên khu III vừa rồi, nhiều ngụy binh đã bỏ Pháp mà quay về với Tổ quốc. Có những nơi như đồn Bến Xanh anh em ngụy binh giết tên chỉ huy Pháp và trói 3 tên lính Pháp rồi đưa cả giặc cả súng sang hàng ngũ ta. Như vậy nên bộ đội ta lấy được mấy vị trí mà không mất một viên đạn, không tốn một giọt máu.
Có kết quả đó là vì:
- Bộ đội ta có chính sách ưu đãi ngụy binh đã giác ngộ.
- Chính phủ ta có chính sách khoan hồng với những người ấy.
- Đồng bào và cán bộ địa phương khéo vận động ngụy binh. Hồ Chủ tịch thường nói: "Trừ bọn đại Việt gian ra thì người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước, ghét giặc. Đại đa số ngụy binh đều vì giặc áp bức lừa gạt mà theo giặc. Chúng ta chịu khó và khôn khéo khêu gợi lòng ái quốc của họ thì nhất định họ sẽ quay về với kháng chiến".
Thật vậy. Ai chẳng biết kháng chiến là vì dân vì nước. Ai cũng biết Tây là ác và theo Tây là cõng rắn cắn gà nhà, rước voi giày mả tổ. Cho nên bổn phận của mỗi một đồng bào ở vùng tạm bị chiếm là chịu khó gần gũi ngụy binh. Giải thích cho họ rồi kéo họ về với ta. Đó là một cách tham gia kháng chiến rất thiết thực.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 1851, ngày 30-6-1951).
20. Phê bình
…
Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình.
Mục đích phê bình là cốt lợi cho công việc chung. Nguyên tắc phê bình là phải nhằm vào tư tưởng và công tác. Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm. Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực.
Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên "trước mặt không nói, xoi mói sau lưng".
Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình.
Song phê bình phải đường hoàng, chính đáng, quyết không nên "thầm thì thầm thụt", viết thư giấu tên, như một vài cán bộ ở T.N. đã làm.
Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình.
Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa.
Dìm phê bình hoặc phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ, và rất có hại, cũng như có bệnh mà từ chối uống thuốc.
Phê bình và tự phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ. Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí.
Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 16, ngày 12-7-1951)
21. Gửi chính ủy Văn Tiến Dũng
Cảm ơn các chú đã biếu Bác một lá cờ của bù nhìn mà các chú đã lấy được trong chiến dịch vừa qua.
Bác gửi lời khen Tiểu đoàn 722 đã lập công ở sâu trong lòng địch. Bác khuyên các chú cố gắng chỉnh huấn đến nơi đến chốn. Trong công việc này, Bộ Tổng tư lệnh đã có chương trình đầy đủ. Bác chỉ nhắc các chú hai điểm:
- Tư tưởng cần thông suốt từ trên đến dưới, đoàn kết phải chặt chẽ từ trên đến dưới, từ trên đến dưới phải thực hiện đồng cam cộng khổ.
- Kiên quyết đánh thắng mọi khó khăn, thắng được khó khăn tức là đã thắng địch một phần.
Chúc các chú tiến bộ nhiều.
Chào thân ái và quyết thắng
(Trích trong cuốn Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962, tr.107).
22. Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và ngày Độc lập
…
Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với gậy tầm vông và súng hoả mai lúc đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch.
…
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 21, ngày 16-8-1951)
23. Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt
Nhân dân ta có câu hát:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước, thì thương nhau cùng".
Không bao giờ ý nghĩa câu hát ấy được thực hiện rõ rệt như ngày nay trong chính sách đại đoàn kết của Đảng, Mặt trận và Chính phủ. Cũng không đâu thực hiện sự đoàn kết ấy sâu rộng và thấm thía hơn giữa quân đội và nhân dân ta.
Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác.
Quân đội ta biết rằng: Cơm quân đội ăn, áo quân đội mặc, vũ khí quân đội dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp mà có. Nhân dân thức khuya dậy sớm, ăn gió nằm sương, để đắp đường sửa cầu cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo lội suối, không quản khó nhọc gian lao, để chuyên chở súng đạn cho bộ đội đánh giặc. Tóm lại, quân đội sinh trưởng, thắng lợi, là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ. Vì thế, bộ đội rất biết ơn và yêu mến nhân dân.
…
Vì lòng yêu mến bộ đội, mà nhân dân nảy ra nhiều sáng kiến, để vượt mọi khó khăn. Vì lòng yêu mến nhân dân, mà bộ đội càng thêm dũng cảm khi ra trận diệt giặc.
Vì lòng yêu mến lẫn nhau, mà nhân dân càng ra sức thi đua tăng gia sản xuất, bộ đội càng ra sức thi đua diệt giặc lập công. Hồ Chủ tịch nói: Quân dân nhất trí, ta nhất định thắng, giặc nhất định thua, là như thế.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta, tình đoàn kết giữa quân và dân đã thành một lực lượng vô cùng to lớn mạnh mẽ. Chính vì tình đoàn kết ấy mà ta đã thắng nhiều chiến dịch, và sẽ thắng nhiều nữa. Chính vì tình đoàn kết ấy, mà kháng chiến nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Quân dân đoàn kết, là đường thành công.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 47-48, ngày 3-3-1952).
24. Thư gửi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ
Nhân dịp kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến, tôi thay mặt Đảng và Chính phủ Trung ương thân ái gửi lời khen ngợi và khuyến khích cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ.
Suốt 8 năm kháng chiến anh dũng, Nam Bộ thật xứng đáng là bức tường đồng của Tổ quốc, bền bỉ chống cự bọn thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bè lũ Việt gian buôn dân bán nước.
Càng đấu tranh gian khổ, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ lại càng hăng hái kiên quyết, càng bị thử thách, lại càng tỏ rõ đức tính kiên cường bất khuất của mình.
Cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, song phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Địch càng gần ngày thất bại, chúng càng độc ác hung hăng. Vậy tôi nhắc nhở mấy điều sau đây, mọi người phải ghi nhớ và thực hiện cho kỳ được:
- Đồng bào ta phải đoàn kết chặt chẽ, thi đua tăng gia sản xuất, ra sức tham gia kháng chiến.
- Bộ đội ta phải thi đua chỉnh quân, tổ chức lưới du kích vững chắc và rộng khắp các vùng, địch mò đến đâu thì tiêu hao và tiêu diệt chúng đến đó.
- Cán bộ quân, dân, chính, đảng thì phải đoàn kết chặt chẽ, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phụng sự kháng chiến, đi đúng đường lối quần chúng, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.
- Đối với những kẻ lầm đường theo giặc, thì ta phải thành khẩn giải thích và kêu gọi họ quay về với Tổ quốc; làm cho họ tin tưởng rằng Chính phủ và đồng bào ta sẵn sàng khoan hồng với những người con biết cải tà quy chính.
Với tình hình thế giới thuận lợi cho ta, với lòng nồng nàn yêu nước của quân và dân ta, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ ta, chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn gian khổ, và tranh được thắng lợi hoàn toàn.
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.
Thống nhất, độc lập, nhất định thành công.
Chào thân ái và quyết thắng
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 137, từ ngày 21 đến ngày 25-9-1953)
25. Thường thức chính trị
…
Nhân dân là: Bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, các giai cấp ấy đoàn kết lại, bầu ra chính phủ của mình. Đối với nội bộ nhân dân thì thực hành dân chủ. Đối với đế quốc, phong kiến và lũ phản động, thì thực hành chuyên chính chống lại chúng, đàn áp chúng.
Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước, để thực hành dân chủ chuyên chính.
…
Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc đều là động lực của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, bốn giai cấp đoàn kết và tổ chức thành mặt trận thống nhất to lớn mạnh mẽ. Vì trong công cuộc cách mạng chống đế quốc, chống phong kiến, trong sự nghiệp kiến quốc, phát triển kinh tế, bốn giai cấp ấy đều có lợi, cho nên bốn giai cấp ấy cần phải đoàn kết, cần phải hợp tác, cùng nhau xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.
Vì sao cần phải lấy công nông liên minh làm nền tảng? Vì giai cấp công nông là đông nhất, hơn 9 phần 10 trong nhân dân. Vì trong cuộc đấu tranh cách mạng, hai giai cấp ấy là kiên quyết nhất. Liên minh của hai giai cấp ấy là nền tảng rộng rãi và chắc chắn nhất của dân chủ chuyên chính. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, hai giai cấp ấy cũng đóng góp nhiều nhất, hy sinh to nhất, thành tích lớn nhất. Giai cấp công nông là lực lượng chủ chốt để giữ gìn Tổ quốc, xây dựng nước nhà. Vì vậy công nông liên minh là nền tảng tự nhiên của Mặt trận dân tộc thống nhất.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t8, tr.262)
Quốc Thành (tổng hợp)