9. Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây-cu
Cùng các đồng bào dân tộc thiểu số,
Hôm nay, đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.
Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có "Nha dân tộc thiểu số" để săn sóc cho tất cả các đồng bào.
Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t.1, tr.85-86).
10. Thư gửi đồng bào Nam bộ
Cùng đồng bào yêu quý Nam Bộ,
Được tin tôi cùng đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng là vì chưa biết tương lai của Nam Bộ sẽ ra thế nào?
1- Tôi xin đồng bào hiểu rằng nước Pháp mới không phải là đế quốc chủ nghĩa, đi áp bức, đi chia rẽ dân tộc và nước nhà người ta.
2- Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước.
Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!
Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang.
Giấy vắn tình dài, trước khi lên đường đi Pháp, tôi xin gửi lời chào thân ái cho tất cả đồng bào Nam Bộ.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 255, ngày 1-6-1946).
11. Diễn văn tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tổ chức tại Pa-ri
Thưa các ngài,
Thưa các bà, các ông,
Thưa đồng bào thân mến,
Việc có mặt của nhiều nhân vật nổi tiếng, với một cử tọa đông đảo như thế này, khiến cho buổi lễ trọng thể này có một ý nghĩa sâu sắc.
Hôm nay, nhân dân Việt Nam kỷ niệm lần thứ nhất bản Tuyên ngôn long trọng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Các bạn thân mến! Sự có mặt của các bạn bên chúng tôi hôm nay thể hiện tình cảm hữu nghị của các bạn đối với nhân dân và đối với nước Cộng hòa của chúng tôi.
Tôi xin bày tỏ sự biết ơn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với những đại diện của nước Pháp, những đại diện của các quốc gia dân chủ khác, cũng như đối với những đại diện nhân dân các nước là thành viên tương lai của Liên hiệp Pháp. Các bạn hãy tin tưởng rằng, nhân dân Việt Nam đánh giá cao mối thiện cảm đã được thể hiện bằng hành động của các bạn và sẽ giữ mãi kỷ niệm về nó.
Trong ngày lễ kỷ niệm này, ý nghĩ của tôi hướng về đất nước của tổ tiên, hướng về Tổ quốc xa xôi với tất cả tấm lòng tôn kính và yêu mến.
Tôi xin long trọng bày tỏ sự kính trọng đối với nhân dân Việt Nam anh dũng của chúng ta, đã nêu cao lý tưởng dân chủ và đã không lùi bước trước bất kỳ sự hy sinh nào để bảo vệ tự do của mình.
Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hoà của mình.
Lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đã gắn bó ý chí của mọi người Việt Nam từ Bắc chí Nam thành một khối sức mạnh, bất kỳ nguồn gốc họ ở đâu, theo tôn giáo hay thuộc giai tầng xã hội nào.
Trong buổi tối hôm nay, làm sao chúng ta lại không nghĩ tới đồng bào Nam Bộ với một tình cảm trìu mến đặc biệt. Nguyện vọng tha thiết nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam là Tổ quốc đang hồi sinh của chúng ta không bao giờ bị chia cắt và không gì chia cắt được.
Và, thưa đồng bào, tôi rất sung sướng nhận thấy rằng, đồng bào, những người đang sống trên đất Pháp, dù đến đây vì kế sinh nhai, để hoàn thành việc học hành hay để đóng góp cho cuộc kháng chiến của nước Pháp, đồng bào đều biết xử sự như người con của một dân tộc đã có một nền văn hoá lâu đời, nhưng lại có đủ khả năng để trẻ lại. Tôi tin chắc rằng, với sự lịch thiệp và sự đối xử thân tình của mình, đồng bào có thể tranh thủ được sự quý mến và cảm tình của nhân dân Pháp đối với nước Việt Nam ta.
Tình hữu nghị Pháp - Việt là điều kiện cho sự chấn hưng nước ta, cũng như cho sự phát triển ảnh hưởng của nước Pháp ở châu Á. Tôi tin chắc rằng một sự hợp tác chặt chẽ là có lợi cho cả hai bên.
Chúng ta là hai dân tộc yêu chuộng công lý và tự do, quan tâm đến văn hoá, đến sự nảy nở của những tư tưởng đạo lý. Việc có chung những tình cảm trên làm hài hoà mối quan hệ của chúng ta, lý tưởng và lợi ích của chúng ta, tất cả đều khiến chúng ta xích lại gần nhau.
Nhưng tình hữu nghị chỉ là tình hữu nghị thực sự, thành thật và phong phú chừng nào nó hoàn toàn tự nguyện. Chúng ta giả thử tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta cũng là tự nguyện.
Tôi tin tưởng rằng, nước Pháp đã kháng chiến và giành được giải phóng sẵn sàng công nhận nền độc lập của chúng tôi, điều cần thiết phải có để một dân tộc mong muốn kết bạn với các dân tộc khác.
Nước Pháp mới đặt ra cho mình mục đích là giải phóng các dân tộc. Tại sao nước Pháp mới lại vô tình trước số phận của nhân dân các nước đang đeo đuổi những lý tưởng của chính mình?
Vả lại, hoàn toàn độc lập quyết không có nghĩa là đoạn tuyệt. Nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng những lợi ích văn hoá và kinh tế của Pháp trên đất nước Việt Nam; hơn thế nữa, Việt Nam còn sẵn sàng phát triển nó bằng sự hợp tác anh em và trung thực. Việt Nam độc lập, chẳng những không làm hại đến lợi ích của Pháp, mà còn tăng cường vị trí và củng cố uy tín của Pháp ở châu Á.
Sự đóng góp của Việt Nam cho sự vĩ đại của nước Pháp và cho sức mạnh của Liên hiệp Pháp, điều đó tất nhiên tuỳ thuộc mức độ phồn vinh của Việt Nam, mà sự chia rẽ và chia cắt không thể mang lại phồn vinh. Thật là phi lý nếu toan tính dựa vào nước Việt Nam suy yếu, chia rẽ và bị chia cắt để đạt được sự hùng mạnh của Liên hiệp Pháp. Liên hiệp Pháp chỉ có được vai trò với điều kiện nó giữ được sự vững chắc, thống nhất và gắn bó của nó; và điều kiện đó chỉ có thể thực hiện được khi mỗi thành viên của nó cũng giữ được sự vững chắc, thống nhất và gắn bó của mình.
Đó là cái giá phải trả cho tương lai của Liên hiệp Pháp. Chúng ta biết rằng nhân dân tất cả các nước ở Pháp quốc hải ngoại1) đều quan tâm đến việc thực hiện điều này. Thực vậy, việc liên kết các dân tộc tự do, bình đẳng và bác ái, gắn bó bởi một trong những sợi dây mạnh mẽ nhất, một lý tưởng chung, đó là lý tưởng dân chủ; việc liên kết đó hấp dẫn biết bao. Liên hiệp Pháp sẽ có vai trò to lớn trong việc tổ chức xã hội loài người. Là một nước dân chủ, thành viên của Liên hiệp Pháp, nước Việt Nam mong muốn được đóng góp vào việc thiết lập và duy trì hoà bình và dân chủ trên thế giới, bên cạnh Liên hợp quốc.
Để cho mọi hy vọng trở thành hiện thực, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có một nguyện vọng cháy bỏng là mong mỏi Hội nghị Phôngtennơblô nhanh chóng đưa đến những kết quả cụ thể. Xin nhắc lại lời lẽ hùng hồn của chính Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Gioócgiơ Biđôn là: "... Chúng ta có thể chờ đợi một cách chính đáng một tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa hai nước chúng ta như một tấm gương lớn trên thế giới".
Mong sao tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam độc lập và thống nhất trở thành sự thực! Một tương lai biết bao xán lạn lẽ nào lại không mở ra trước hai nước chúng ta. Một tình hữu nghị như vậy giữa hai nước chỉ có lợi cho sự phồn vinh của Liên hiệp Pháp và sự bừng nở lý tưởng dân chủ trên thế giới.
- Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!
- Nước Pháp mới muôn năm!
- Tình hữu nghị chặt chẽ, lâu dài và phong phú giữa Pháp và
Việt Nam muôn năm!
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t4, tr.327)
12. Chiến đấu vì chính nghĩa
Chiến sự ở miền Nam chưa dứt, nay quân đội Pháp lại gây chiến cả ở miền Bắc.
Một cuộc bắn giết đương tiếp diễn ở Hải Phòng, Lạng Sơn mỗi ngày thêm kịch liệt. Rõ ràng quân đội Pháp đã thẳng tay tiến công, bất chấp tín nghĩa. Đối với cuộc chiến đấu tự vệ của ta, quốc dân đã theo dõi từng ly từng tí, nhưng không khỏi hoang mang.
Vậy đứng về phương diện chiến lược, chúng ta thử xét sau này tình thế sẽ biến chuyển ra sao.
…
III. Nhân hòa mới là điều kiện quyết định
Điều kiện trừ diệt địch quân phải là điều kiện nhân hòa. Trong hai phe giao chiến, phe nào có đầy đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng. Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa. Từ khi giựt được chính quyền trong tay phát xít Nhật, chúng ta luôn luôn chiến đấu để bảo vệ đất nước bằng mọi hình thức: chính trị, kinh tế và quân sự. Quân đội Việt Nam và dân chúng Việt Nam đã liên kết thành một khối, quyết không chịu làm nô lệ dưới một chế độ thuộc địa nào. Trong khi chiến đấu, chúng ta được dân chúng ủng hộ, nhất định chúng ta được dư luận thế giới tán đồng, nhất định chúng ta sẽ thắng.
Trái lại, vì muốn giữ đặc quyền đặc lợi, bọn thực dân phản động Pháp đã dùng tàu bay, đại bác, bắn giết dân Việt Nam.
Chúng đốt nhà cướp của, hiếp dâm, đàn áp, bắt bớ những dân vô tội, không một thứ thủ đoạn tàn bạo nào là chúng không làm.
Chúng đã bội tín, chúng đã phản hiệp định, chúng đã bị chính nghĩa phỉ nhổ. Nhất định chúng sẽ bị lực lượng nhân dân tiêu diệt.
Ngoài điều kiện nhân hòa chúng ta còn có điều kiện địa lợi và thiên thời. Từ hang cùng ngõ hẻm, núi sâu rừng rậm, đâu đâu cũng là đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng có dân Việt Nam ở. Quân địch tiến đến chỗ nào, không thuộc địa hình, địa vật bằng dân quân Việt Nam ở chỗ đó. Chúng sẽ bị đánh úp bất ngờ. Trên đường hành quân của chúng, dân quân sẽ phá huỷ đường sá, cầu cống, hoặc chiếm đoạt quân nhu, lương thực, làm cho chúng hao mòn lực lượng. Nếu chúng đóng quân chỗ nào, nhân dân sẽ thực hiện kế hoạch vườn không nhà trống và kế hoạch tẩy chay.
Hơn nữa, dân ta năm nay được mùa, không phải lo đói, lo rét như hồi đầu năm. Với điều kiện vật chất khá đầy đủ, dân chúng đã đủ lực lượng chiến đấu đến cùng.
Có đủ ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời như trên, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công.
(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 427, ngày 6-12-1946).
13. Lời kêu gọi nhân kỷ niệm sáu tháng kháng chiến
…
B- Vì đồng bào ta đại đoàn kết.
Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ,
Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước,
Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.
Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại.
C- Vì tướng sĩ ta dũng cảm.
Tuy khí giới ta còn kém, kinh nghiệm ta còn ít, nhưng lòng kiên quyết, chí hy sinh của tướng sĩ ta đã lập những chiến công oanh liệt, vẻ vang có thể nói là kinh trời động đất.
D- Vì chiến lược ta đúng.
Địch muốn dùng cách đánh mau, thắng mau. Nếu chiến tranh kéo dài, hao binh tổn tướng, chúng sẽ thất bại. Vậy ta dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến, để phát triển lực lượng, tăng thêm kinh nghiệm. Ta dùng chiến thuật du kích, để làm cho địch hao mòn, cho đến ngày ta sẽ tổng phản công, để quét sạch lũ chúng.
Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa. Hơn nữa trong cuộc trường kỳ kháng chiến, mỗi công dân là một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào. Hai mươi triệu đồng bào Việt Nam quyết đánh tan mấy vạn thực dân phản động.
E- Vì ta nhiều bầu bạn.
Chiến tranh xâm lược của thực dân phản động là phi nghĩa. Ai cũng chán ghét. Kháng chiến cứu quốc của ta là chính nghĩa, cho nên được nhiều người bênh vực. Số đông nhân dân Pháp muốn hoà bình thân thiện với ta. Nhân dân thuộc địa đồng tình với ta. Các dân tộc châu Á ủng hộ ta. Dư luận trong thế giới tán thành ta.
Về mặt tinh thần địch đã hoàn toàn thất bại, ta đã hoàn toàn thắng lợi.
Hỡi quốc dân đồng bào!
Hỡi toàn thể các chiến sĩ!
Cuộc trường kỳ kháng chiến còn kinh qua nhiều bước gian nan. Chúng ta phải hy sinh, chịu khổ và phải gắng sức. Nhưng chúng ta quyết hy sinh chịu khổ và gắng sức 5 năm, 10 năm để phá tan cái xiềng xích nô lệ hơn 80 năm vừa qua, để tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho muôn đời sắp đến. Tôi thay mặt Chính phủ:
Ra lệnh cho toàn thể tướng sĩ, trước đánh đã hăng, từ nay phải đánh hăng hơn, phải thi đua nhau xung phong sát địch.
Kêu gọi toàn thể đồng bào ra sức tăng gia sản xuất, ra sức cất lúa, giữ đê, ra sức ủng hộ bộ đội.
Khuyên các cán bộ chính trị, hành chính và chuyên môn phải cố gắng khắc phục mọi nỗi khó khăn, ra sức sửa chữa các khuyết điểm, gắng làm những người cán bộ kiểu mẫu.
Chúng ta đã đồng tâm nhất trí. Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.
Chúng ta phải mạnh mẽ tiến lên!
Đánh tan thực dân phản động Pháp!
Hai dân tộc Việt - Pháp thân thiện!
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!
Việt Nam thống nhất độc lập muôn năm!
(In trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.91-93).
14. Thư gửi đồng bào Việt Bắc
Cùng đồng bào Khu I,
Nhân dịp ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, tôi gửi lời chào thân ái cho toàn thể đồng bào và toàn thể chiến sĩ Khu I.
Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta cái nhiệm vụ vẻ vang là tranh đấu để giữ vững nền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Chúng ta quyết tâm làm trọn nhiệm vụ đó trong cuộc trường kỳ kháng chiến này.
Đồng bào Việt Bắc đã có một lịch sử cách mạng rất vẻ vang. Xưa kia cụ Hoàng Hoa Thám và những vị anh hùng khác đã dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp suốt mấy mươi năm. Gần đây Việt Bắc là căn cứ địa oai hùng của Quân giải phóng để chống Nhật, kháng Pháp. Tên Việt Bắc đã lừng lẫy khắp cả nước, khắp thế giới.
Có sự vẻ vang đó là vì toàn thể đồng bào Việt Bắc: Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Mèo, v.v., ai cũng yêu nước, ai cũng không chịu làm nô lệ, ai cũng đoàn kết, ai cũng hăng hái ủng hộ cách mạng.
Trong cuộc kháng chiến này đồng bào Khu I đã gánh một phần quan trọng: Như công tác phá hoại, giúp đỡ đồng bào tản cư, v.v., lại có những sáng kiến và thành tích đáng làm gương cho những nơi khác: Như các cụ phụ lão, các vị thân hào, anh em công chức, đã đoàn kết chặt chẽ, đã làm kiểu mẫu cho đồng bào và đã ra sức ủng hộ Chính phủ, v.v..
Hiện bây giờ Khu I chưa phải mặt trận chính. Nhưng đối với bọn thực dân hung ác, nay mai Khu I rất có thể trở nên mặt trận chính. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta cần phải làm những việc sau này:
a) Đã đoàn kết phải đoàn kết thêm. Khắp nơi phải tổ chức Hội Liên hiệp quốc dân.
b) Tập luyện dân quân, tự vệ, du kích. Giúp đỡ bộ đội.
c) Ra sức tăng gia sản xuất, làm cho nhiều lúa, nhiều sắn, nhiều ngô. Nuôi cho nhiều gia súc.
d) Phát triển bình dân học vụ. Giúp đỡ đồng bào tản cư. Giữ gìn bí mật.
e) Các cán bộ quân sự, chính trị, hành chính và chuyên môn thì phải làm đúng bốn chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Tôi chắc rằng: với truyền thống cách mạng lâu dài, với lòng sốt sắng yêu nước, với sự đoàn kết chặt chẽ, đồng bào Khu I sẽ làm trọn nhiệm vụ của mình.
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám muôn năm!
Việt Nam thống nhất và độc lập muôn năm!
Toàn thể đồng bào Khu I tiến lên!
(In trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Sđd, t.2, tr.27-28).
15. Trả lời Báo Độc lập về việc Chính phủ mở rộng
Hỏi: Lần này là lần đầu tiên từ khi chính thể Dân chủ Cộng hoà thành lập, chúng tôi nhận thấy trong Chính phủ có một vị quan lại cũ tham dự. Vậy xin Chủ tịch cho biết rõ chính sách của Chính phủ đối với giới này.
Trả lời: Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh việc nước. Thí dụ: Ngoài cụ Đặng Văn Hưởng ra, còn nhiều cụ khác nữa như cụ Phạm Gia Thuỵ, cựu Tổng đốc; cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần; cụ Phó bảng Bùi Kỷ, v.v., đều rất tận tuỵ giúp việc kháng chiến. Trước sự đại đoàn kết của Chính phủ và quốc dân đồng bào, mưu mô chia rẽ của thực dân phản động Pháp nhất định thất bại.
(In trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Sđd, t.2, tr.31).
Quốc Thành (tổng hợp)