Chỉ mục bài viết

1. Đường cách mệnh - Vì sao phải viết sách này?

Phàm làm việc gì cũng vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếukhông ra sức thì chắc không thành công. Tục ngữ Tàu có câu: "Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức". Sư tử mạnh biết chừng nào, nếu bắt thỏ thì có khó gì, thế mà còn phải dùng hết sức, huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại, nếu không hết sức thì làm sao được.

Lại nhiều người thấy khó thì ngã lòng, không hiểu rằng "nước chảy đá mòn" và "có công mài sắt, có ngày nên kim". Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi. Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong.

Muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người khác. Có như thế mục đích mới đồng; mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng, lại phải biết cách làm thì làm mới chóng.

Lý luận và lịch sử cách mệnh có nhiều sách lắm. Pháp nó sợ, nên cấm chúng ta học, cấm chúng ta xem, cho nên đồng bào ta đối với hai chữ cách mệnh còn lờ mờ lắm. Có người biên chép đề xướng ra một chút lại làm một cách rất hồ đồ; hoặc xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức; hoặc làm cho dân quen tính ỷ lại, mà quên tính tự cường. đường cách mệnh - vì sao phải viết sách này?

Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?

Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả.

Hơn sáu mươi năm nay, đế quốc chủ nghĩa Pháp đạp trên đầu; hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt!

Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh.

Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t2, tr.329.

2. Nên học sử ta

Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

1. Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời.

2. Trước khi Vua Gia Long bán nước ta cho Tây, nước ta vẫn là nước độc lập. Đời nào cũng có người anh hùng mưu cao võ giỏi đứng ra đoàn kết nhân dân đuổi giặc cứu nước.

Đời Trần, quân Nguyên đánh đâu được đấy, chiếm nước Tàu và nửa châu Âu, thế mà ba lần bị ông Trần Hưng Đạo đánh tan.

Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập.

Người già như ông Lý Thường Kiệt quá 70 tuổi mà vẫn đánh đông dẹp bắc, bao nhiêu lần đuổi giặc cứu dân.

Thiếu niên như Đổng Thiên Vương chưa đến 10 tuổi mà đã ra tay cứu nước, cứu nòi. Trần Quốc Toản mới 15, 16 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên.

Phụ nữ thì có Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang san.

Những vị anh hùng ấy vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Nhờ những vị dân tộc anh hùng ấy mà nước ta được tự do, độc lập, lừng lẫy ở á Đông.

Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều; con Lạc cháu Hồng hóa làm trâu ngựa.

Từ đó đến nay, biết bao nhiêu người oanh liệt đứng lên khởi nghĩa đánh Tây như ông Phan Đình Phùng, ông Hoàng Hoa Thám, vân vân

3. Sử ta dạy cho ta bài học này:

Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.

Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do.

(Đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 117, ngày 01-02-1942).

3. Những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Thưa các cụ và các chú,

Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính.

Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm.

Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công. Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có sáu vấn đề:

Một là, nhân dân đang đói - Ngoài những kho chứa thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích cấy lúa để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng. Hơn nữa, chúng ta còn tìm thấy hai kế hoạch của bọn cầm quyền Pháp với mục đích gây nạn đói, để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào chúng ta phải làm việc như nô lệ.

Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống.

Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.

Vấn đề thứ hai, nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ.

Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.

Vấn đề thứ ba - Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..

Vấn đề thứ tư - Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.

Vấn đề thứ năm - Thuế thân, thuế chợ, thuế đò, là một lối bóc lột vô nhân đạo. Tôi đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy. Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.

Vấn đề thứ sáu - Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết.

(Trích trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 121-123).

4. Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1945

Cùng các đồng chí bản tỉnh,

Các đồng chí,

Thư này, tôi không dùng danh nghĩa Chủ tịch của Chính phủ, nhưng chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí.

1. Cuộc dân tộc cách mạng thành công này có những ý nghĩa rất to tát mà chúng ta cần phải nhận rõ. ý nghĩa đó là:

Trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa: Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta.

2. Vì sao có cuộc thắng lợi đó?

Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

3. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó.

4. Khó thì khó thật, nhưng chúng ta quyết tâm; chúng ta vừa làm vừa học, nhất là chúng ta cố mà theo cho đúng chính sách của Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt qua hết thảy những sự khó khăn đó. Nói tóm tắt, thì chính sách của Chính phủ là:

- Củng cố sự đoàn kết toàn dân.

- Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện.

5. Ở các địa phương, những khuyết điểm to nhất là:

a) Khuynh hướng chật hẹp và bao biện. Việc gì cũng do người Việt Minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc.

b) Lạm dụng hình phạt. Những đứa phản quốc có chứng cớ rõ ràng phải trừng trị đã đành. Nhưng chúng ta không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hoá, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng.

c) Kỷ luật không đủ nghiêm. Để cho bọn giả mạo tiếng Chính phủ hoặc tên Việt Minh ức hiếp dân, xoáy tiền dân, lấy đồ đạc của dân, làm cho dân oán.

d) Đề phòng hủ hóa. Cán bộ ta nhiều người "cúc cung tận tụy", hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hoá, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể.

đ) Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động.

Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay,

Chúng ta không sợ có khuyết điểm,

Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi,

Chúng ta phải lấy lòng "chí công vô tư".

Chúng ta phải hiểu rõ và theo đúng chính sách của Chính phủ thì những khuyết điểm nói trên sẽ dễ sửa đổi và sự toàn dân đoàn kết sẽ càng vững vàng.

Trong công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến.

Chào thân ái

 (Trích trong sách Hồ Chủ tịch với quê hương, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Nghệ An xuất bản, 1970, tr.17-19. T4, tr19)

5. Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng

Hỡi các bạn!

1. Nước ta bị Tây áp bức hơn 80 năm và bốn, năm năm bị Nhật áp bức.

Dân ta đói rét, khổ sở, không thể nói xiết. Ngày nay nhớ lại, còn rất đau lòng. Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo, mà chúng ta bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập tự do.

Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

2. Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm.

Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t4, tr.64)

7. Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ

Hỡi đồng bào trong Nam!

Quân Pháp nấp đuôi bọn quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong xứ. ở Mỹ Tho, ở Tân An, ở Biên Hoà, Nha Trang, quân Pháp đã xâm phạm đến nền độc lập của chúng ta. Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu.

Mặc dầu quân Pháp có đủ khí giới tối tân, tôi biết chắc không bao giờ chúng cướp được nước ta đâu. Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc.

Vì công lý, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải toàn thắng. Quân Pháp đi đến đâu sẽ gặp cảnh đồng không nhà vắng, không người, không lương thực. Chúng ta quyết không cộng tác với chúng, không chịu sống chung với lũ thực dân Pháp.

Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới. Ngày nay, trước tình trạng khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo dõi cuộc chiến đấu ở Nam Bộ. Nhưng thời cuộc càng khó khăn chừng nào, tôi chắc rằng tinh thần anh chị em càng cương quyết hơn chừng ấy. Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không đội xâm lăng nào đánh tan được.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 77, ngày 29-10-1945).

8. Lời phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam

Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa.

Nhiệm vụ chính của các dân tộc thiểu số hiện nay phải thực hiện là:

1- Đoàn kết hơn nữa để chống xâm lăng.

2- Hết sức tăng gia sinh sản.

3- Ra sức cứu giúp đồng bào dưới xuôi về nạn đói và ủng hộ

Chính phủ để kháng chiến và cứu đói.

4- Gây sự thân thiện giữa ta và Trung Quốc, nhất là các dân tộc ở các miền biên giới Việt Nam và Trung Quốc.

Anh em thiểu số chúng ta sẽ được:

1- Dân tộc bình đẳng: Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình trước sẽ sửa chữa đi.

2- Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt:

a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng.

b) Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc.

Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 108, ngày 04-12-1945).

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: