Xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các bài viết của Người nhằm phủ nhận tư tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, là một trong những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, nêu cao cảnh giác, làm thất bại thủ đoạn đó của họ là vấn đề rất quan trọng.
Viết bài, trả lời phỏng vấn, xuất bản sách, cắt ghép tán phát các hình ảnh, video clips làm sai lệch hình ảnh con người và tư tưởng Hồ Chí Minh trên internet, mạng xã hội là cách mà các thế lực thù địch thường sử dụng. Gần đây, họ lại gửi đến nhiều tổ chức, cá nhân những tài liệu có nội dung được trích dẫn từ chính các câu nói, bài viết của Hồ Chí Minh nhưng đã được cắt xén một cách có chủ ý, làm sai lệch nghĩa của nó, nhằm xuyên tạc tư tưởng của Người. Tài liệu “Việt Nam nhất định phát triển” khi lãnh đạo và cả Dân tộc đồng lòng “Xây dựng một nước Việt Nam” của Viện Thinktank SENA (tháng 11/2020) là một ví dụ.
Với tiêu đề khá “hấp dẫn”, người đọc hy vọng đón nhận nhiều nội dung “chất lượng”, nhưng thực tế không phải như vậy! Nhiều nội dung trong tài liệu đã phản ánh sai lệch bản chất vấn đề, nhằm hướng lái người đọc theo dụng ý của người viết, đơn cử một số điểm sau:
Thứ nhất, tài liệu đưa ra dẫn chứng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đề cập đến mục tiêu xây dựng “Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, để cho rằng “Mục tiêu của Bác Hồ” không phải là “thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam. Điều này hoàn toàn không đúng với thực tế. Bởi lẽ, ngay khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1 và trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo (năm 1930), đã nêu rõ chủ trương của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Hơn nữa, mục tiêu xây dựng nước Việt Nam như trong Di chúc của Hồ Chí Minh thực chất là thực hiện những nội dung căn bản trong quan điểm của Người về chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh diễn đạt mục tiêu xây dựng đất nước như trong Di chúc là để mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Có thể thấy rõ điều này trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội. Nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội ngày 01/02/1961, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”2; “không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân là mục đích của chủ nghĩa xã hội”; hoặc “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”3; “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”4; “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”5. Qua đó cho thấy, tuy không nhắc đến cụm từ chủ nghĩa xã hội nhưng các nội dung mà Người đề cập về xây dựng đất nước Việt Nam trong Di chúc chính là mục tiêu, nội dung mà quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hướng tới, hoàn toàn không như những gì mà “tài liệu” đã trình bày.
Thứ hai, “tài liệu” đã trích dẫn, bình luận các quan điểm của Hồ Chí Minh không đầy đủ, không đặt trong điều kiện cụ thể để hướng lái người đọc theo dụng ý của người viết. Chẳng hạn, từ năm 1919, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Véc-xây (Pháp) đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh để thay thế bằng các đạo luật. Theo đó, năm 1922, Nguyễn Ái Quốc phát hành bản “Việt Nam yêu cầu ca”, chuyển thể nội dung Bản yêu sách thành những vần ca dao và yêu sách thứ 7 đã chuyển thành hai câu thơ lục bát “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Thực chất của hai câu thơ này là Người muốn đề cập đến việc phải thượng tôn pháp luật trong quản lý xã hội thay cho các sắc lệnh. Tuy nhiên, “tài liệu” lại chỉ dẫn ra vế thứ hai của câu và cho rằng theo Nguyễn Ái Quốc “Trăm điều phải có thần dân pháp quyền” và bình luận sai lệch theo hướng tôn giáo hóa vấn đề.
Năm 1950, nói về mối quan hệ của lý luận với thực hành trong bài viết “duy vật biện chứng và duy vật lịch sử”, Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì muôn vật đều có quan hệ với nhau, như đã nói trên, cho nên một chế độ, một phong trào trong xã hội đều có quan hệ với nhau với những điều kiện trong xã hội đó chứ không phải vì ý riêng của ai mà có chế độ hoặc phong trào ấy. Thí dụ: Chế độ nô lệ mà đặt trong xã hội ngày nay sẽ là một việc quái gở, nhưng so với cách sống công cộng, đời thượng cổ thì là một sự tiến bộ. Dưới chế độ thực dân, tổ chức bãi công là đúng, trong lúc kháng chiến, kiến quốc tuyên truyền bãi công là một tội ác. Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc. Việc gì cũng phải đúng với địa điểm, điều kiện và thì giờ mới thành công”6. Ví dụ đó của Hồ Chí Minh muốn nói là việc vận dụng lý luận vào thực tiễn phải có sự nghiên cứu kỹ cho phù hợp với điều kiện cụ thể mới đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, tài liệu chỉ dẫn chứng cắt xén một cụm từ “giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc” trong câu nói của Người, mà không đặt nó trong bối cảnh cụ thể, đã làm sai lệch hoàn toàn nghĩa câu nói của Hồ Chí Minh.
Lý giải cho việc nhận thức còn hạn chế của người dân thuộc địa về chủ nghĩa Bônsêvích, về đấu tranh giai cấp và giai cấp vô sản, Hồ Chí Minh viết: “Vì một lẽ đơn giản là ở đó không có nền kinh doanh lớn về thương nghiệp hay công nghiệp, cũng không có tổ chức công nhân”7. Vì vậy mà “Trước con mắt người dân bản xứ, chủ nghĩa bônsêvích - danh từ này vì thường được giai cấp tư sản dùng đến luôn, nên đặc sắc hơn và mạnh nghĩa hơn - có nghĩa là: hoặc sự phá hoại tất cả, hoặc sự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất gán cho danh từ ấy làm cho quần chúng vô học và nhút nhát xa lánh chúng ta; nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả. Chỉ có một số ít người trong nhân dân hiểu được thế nào là chủ nghĩa cộng sản”8. Rõ ràng, Hồ Chí Minh đề cập ở đây là việc tuyên truyền cho người dân ở các nước thuộc địa hiểu về chủ nghĩa Bônsêvích (chủ nghĩa Mác - Lênin) là khó khăn, một mặt, do điều kiện kinh tế, xã hội các nước thuộc địa làm cho nhận thức của người dân ở những nước này còn hạn chế; mặt khác, do chính sự xuyên tạc của giai cấp tư sản về chủ nghĩa Mác - Lênin. Song họ lại trích dẫn theo kiểu cắt xén, sai lệch câu nói trên của Hồ Chí Minh thành “Chủ nghĩa bônsêvích, trước mắt người dân bản xứ có nghĩa là sự phá hoại tất cả, hoặc sự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất gán cho danh từ ấy làm cho quần chúng vô học và nhút nhát xa lánh chúng ta; nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả”. Với trích dẫn này thì nghĩa của nó ngược lại hoàn toàn với nghĩa ban đầu.
Như vậy, chỉ điểm qua một số nội dung đã thấy rõ “ý đồ” của họ trong tài liệu trên là tuyên truyền xuyên tạc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn. Họ đã trích dẫn, cắt xén, không đúng bối cảnh những câu nói, câu viết của Người, làm sai lệch nội dung để hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Qua đó, họ đòi thay đổi chính thể và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đưa ra những mục tiêu xây dựng đất nước mập mờ, không rõ ràng như “Khởi đầu mới”, “Mục tiêu mới”, “Con đường mới”, “đổi mới Dân”, v.v. Điều này thể hiện rõ ở một số nội dung mà tài liệu đề cập, như: “Mục tiêu của Bác Hồ không phải “thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội” mà là “Xây dựng một nước Việt Nam”(!); “Để Việt Nam tiến bộ, cần nêu cao tư tưởng “Đoàn kết, đa nguyên và hữu thần” của Bác, thay cho “Đấu tranh, đơn nguyên, và vô thần”(!); “Hun đúc sức mạnh dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Đoàn kết mãi mãi” và “giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc”(!); “Việt Nam chưa phát triển trước hết do vẫn còn coi tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam”(!) Đến đây thì “dụng ý” của họ đã rõ ràng là hướng lái độc giả tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; thực chất là phủ nhận cả hai.
Đây là điều rất nguy hiểm, bởi nó đã lợi dụng niềm tin đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vào Hồ Chí Minh để dẫn ra những câu nói, câu viết của Người nhưng đã cắt xén, làm sai lệch nội dung. Điều đó làm cho người ít nghiên cứu về Hồ Chí Minh cùng với bản lĩnh không vững vàng sẽ dễ tin theo, dễ bị lôi kéo, chia rẽ, kích động, gây hoang mang, làm suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Vì vậy, các cơ quan chức năng, một mặt, cần làm tốt công tác quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tăng cường đấu tranh, vạch trần, bác bỏ âm mưu, thủ đoạn nhằm xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nêu cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động. Không ngừng học tập nâng cao nhận thức về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, nhất là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhận thức rõ tính đúng đắn, khoa học của mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; quán triệt sâu sắc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Không để mắc mưu các thế lực thù địch, làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia - dân tộc và cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân - thành quả của thế hệ cha anh đã dày công xây dựng.
Đại tá, PGS, TS. Phạm Văn Sơn,
Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự,
Học viện Chính trị
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
__________________
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQGST, H. 2011, tr. 30
2. Sđd, Tập 13, tr. 30.
3. Sđd, Tập 12, tr. 415.
4. Sđd, Tập 13, tr. 438.
5. Sđd, Tập 10, tr. 390.
6. Sđd, Tập 6, tr. 528.
7. Sđd, Tập 1, tr. 80.
8. Sđd, Tập 1, tr. 80 - 81.