Quyền con người (nhân quyền - human rights) là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử, là giá trị chung mà nhân loại phấn đấu và hướng tới, được cộng đồng quốc tế, các quốc gia thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ bằng hệ thống pháp luật. Ngày nay, quyền con người được xem là thước đo quan trọng để đánh giá sự tiến bộ và trình độ văn minh của các quốc gia, khu vực. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị luôn tìm cách lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mưu toan xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề quyền con người tạo sức ép từ bên ngoài, gây chống đối ở bên trong
Quyền con người là một phạm trù với nhiều quan niệm và cách tiếp cận khác nhau. Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người đưa ra khái niệm: Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu nhằm bảo vệ các cá nhân và nhóm người chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản của con người. Ở Việt Nam, quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế1.
Việt Nam luôn lấy nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu (Trong ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng A Xan khám, chữa bệnh cho bà con Cơ Tu, huyện biên giới miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).Ảnh: TTXVN
Quyền con người không phải là vấn đề mới nhưng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Liên hợp quốc và nhiều tổ chức luôn xem quyền con người là mối quan tâm chung, là hướng ưu tiên trong hợp tác xây dựng, hoàn thiện các thiết chế, thể chế, cơ chế thúc đẩy, bảo vệ và thực thi. Các quốc gia tham gia ký kết các điều ước quốc tế đều phải có trách nhiệm giải trình về việc thực hiện quyền con người ở đất nước mình. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm mà các thế lực thù địch, phản cách mạng thường xuyên lợi dụng, tạo sức ép từ bên ngoài, kích động các hoạt động chống đối từ bên trong hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mưu toan xóa bỏ chế độ chính trị ở các quốc gia không “cùng quỹ đạo”. Gần đây, khi lợi dụng vấn đề này để chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch thường tập trung vào một số thủ đoạn:
Một là, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, tuyên truyền, cổ xúy cho kiểu dân chủ tư sản, nhân quyền phương Tây. Chúng thường xuyên rêu rao: Chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam duy nhất do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là “toàn trị”, “mất dân chủ”; muốn có “dân chủ”, “nhân quyền” thì phải xóa bỏ chế độ độc đảng, “đa đảng là tiêu chí cao nhất của dân chủ”. Chúng tìm cách khoét sâu những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót của ta trong thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng và an sinh xã hội; từ đó cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản; tuyệt đối hóa tính toàn cầu, giá trị phổ quát của quyền con người; cố tình lý giải quyền con người là tuyệt đối, bất biến, là quyền được tự ý thực hiện tất cả những gì không bị cấm đoán, không bị giới hạn nhằm cổ xúy những hành động vi phạm pháp luật ở nước ta. Chúng liên tục bịa đặt Việt Nam vi phạm nhân quyền, nhất là hiện nay, khi Chính phủ và chính quyền các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly, phong tỏa để phòng, chống đại dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng. Chúng triệt để khai thác, lợi dụng những vụ, việc phức tạp nảy sinh, vu cáo Việt Nam đàn áp những người “bất đồng chính kiến”, “nhà yêu nước”, đòi trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mưu toan “thổi bùng ngọn lửa” bức xúc, trong dư luận để lôi kéo, kích động quần chúng tham gia các hoạt động tụ tập, biểu tình, “bất tuân dân sự”, gây rối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Hai là, lợi dụng và lấy vấn đề dân chủ, nhân quyền làm điều kiện để gây sức ép, can thiệp một cách phi lý vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các thế lực thù địch luôn tìm cách gắn và đặt điều kiện cho việc để có viện trợ, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại thì chúng ta phải “cải thiện dân chủ, nhân quyền” theo các tiêu chí phương Tây, phải cải cách thể chế chính trị sang đa nguyên, đa đảng. Thông qua các buổi chất vấn, họp báo, điều trần để gây sức ép, buộc Việt Nam phải có những “tiến bộ cụ thể về dân chủ, nhân quyền”. Lợi dụng các diễn đàn công khai như hội thảo, hội nghị khoa học, các buổi tiếp xúc, đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam, yêu cầu ta phải “đưa ra và công khai lộ trình” thực hiện các điều ước quốc tế về dân chủ, nhân quyền. Chúng vận động, lôi kéo một số người ký tên vào cái gọi là “kiến nghị”, “tuyên bố”, “hiến kế” gửi tới Liên hợp quốc, quốc hội, chính phủ các nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta để phản đối và đòi chính quyền ta phải thả một số đối tượng chống đối đã bị bắt giữ, xét xử, nếu không sẽ kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Chúng còn mưu toan tìm cách can thiệp vào quá trình xây dựng, sửa đổi pháp luật của Việt Nam, gây sức ép, đòi ta mở rộng các quyền tự do của công dân, tạo hành lang cho các tổ chức và phần tử chống đối trong nước hoạt động. Và như vậy, đặt vấn đề “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích quốc gia, cộng đồng” là cách thức mà các thế lực thù địch thường sử dụng để gây sức ép, can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam.
Ba là, thông qua chiêu bài dân chủ, nhân quyền để thúc đẩy hình thành các tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước ta. Đây là một trong những thủ đoạn chủ yếu của chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Việt Nam. Ở trong nước, chúng tìm cách móc nối các phần tử bất mãn; mua chuộc, lừa gạt, ép buộc quần chúng nhẹ dạ tham gia để làm bình phong, lá chắn; tập hợp những đối tượng cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, những “nhà dân chủ”, “nhà tiến bộ xã hội” tự xưng nhen nhóm hoạt động chống phá một cách công khai, hợp pháp hóa dưới danh nghĩa các hiệp hội, hiệp đoàn, tổ chức “xã hội dân sự” như “hội phụ nữ nhân quyền”, “nhóm công dân tự do”, “đoàn tuổi trẻ yêu nước”... Ở bên ngoài, chúng “tiếp sức” cho các tổ chức phản động quốc tế ráo riết hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo đường lối “phục hồi tổ chức”, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, chống đối. Thực hiện “trong đánh ra, ngoài tiến công vào”, lấy đó làm phương cách để tập hợp lực lượng, tạo dựng “ngọn cờ”, gây dựng và hình thành các tổ chức chính trị phản động đối lập với Đảng, Nhà nước nhưng được che đậy tinh vi, núp dưới danh nghĩa “cứu tinh ngoại quốc” để “bảo vệ dân chủ”, “đấu tranh vì nhân quyền”, “bảo vệ những người đấu tranh vì tự do, công lý”...
Bốn là, tác động đến quốc hội, chính phủ của các nước, các tổ chức quốc tế, ban hành văn bản xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam. Mới đây, trước việc Việt Nam với tư cách thành viên của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) thông báo sẽ tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, các thế lực thù địch tiếp tục núp dưới danh nghĩa “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” đã công khai xuyên tạc rằng Việt Nam “không xứng đáng với vai trò đó”, rằng Việt Nam thường xuyên bị các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU), các nước phương Tây và nước khác lên án về hoạt động vi phạm nhân quyền. Thậm chí, chúng còn bịa đặt do Việt Nam chưa có dân chủ, vi phạm nhân quyền nên cần thông qua tổ chức này và các thành viên của tổ chức để giúp vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam được hoàn thiện hơn. Trên thực tế, chúng thường xuyên có những tác động đến Quốc hội Mỹ, EU và các nước phương Tây thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên với nội dung xuyên tạc, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Điển hình như báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Mỹ, nghị quyết của Nghị viện châu Âu (EP), báo cáo thường niên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), Nhà tự do (Freedom House - FH), Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontieres - RSF), Ủy ban bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists - CPJ), Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International - AI)... Vô hình trung, các tổ chức này có cái nhìn thiếu thông tin và chỉ nghe một chiều từ phía các thành phần cơ hội chính trị, phản động, chống đối chính quyền nhằm đưa ra những nhận định sai trái về Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn tác động đến các chính khách cực đoan, tổ chức các buổi điều trần, hội thảo nhằm xuyên tạc sự thật, mưu toan hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế hay đưa Việt Nam trở lại danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt”, cần áp dụng các biện pháp “trừng phạt” về dân chủ, nhân quyền.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam thường xuyên bảo đảm, bảo vệ và hiện thực hóa quyền con người bằng những quan điểm nhất quán, chính sách thiết thực, việc làm nhân văn
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên nhân dân trong vùng cách ly, phong tỏa chống dịch COVID-19 ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và tiếp cận nhân quyền từ quyền của những con người cụ thể gắn với quyền dân tộc và khẳng định chủ nghĩa xã hội là chế độ tốt nhất bảo đảm đầy đủ quyền con người. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chỉ rõ: Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, xây dựng xã hội mới tự do, hạnh phúc, nam - nữ bình quyền, phổ cập giáo dục. Tuy không phải là quốc gia đầu tiên đề ra các quyền cơ bản của con người nhưng Việt Nam là một trong những nước sớm tiếp cận vấn đề này. Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào (tháng 8-1945) xác định: “Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền; Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền”2. Nếu Bản Tuyên ngôn nhân quyền thế giới mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1948 đề cao tự do, công lý, hòa bình thì trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam trước đó 3 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”3. Trong những năm kháng chiến, Đảng ta đã gắn sự nghiệp giành độc lập dân tộc với việc mang lại quyền làm người cho nhân dân. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người; ký kết các công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)... Tại Đại hội VI, Đảng khẳng định quan điểm xuyên suốt “bảo đảm quyền dân chủ thật sự của nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân”4. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh “thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013... tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”5. Đến Đại hội XIII, Đảng khẳng định “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”6. Quan điểm, chính sách, việc làm nhất quán của Việt Nam về bảo đảm, bảo vệ, hiện thực hóa quyền con người được thể hiện:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng xây dựng, thực thi pháp luật, chính sách về quyền con người. Bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, được ghi trong Cương lĩnh, Nghị quyết, Hiến pháp và được tôn trọng, bảo vệ. Trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người, Đảng, Nhà nước luôn lấy “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”7. Qua nhiều lần xây dựng, sửa đổi Hiến pháp nhưng luôn giữ nguyên tắc căn bản nhất là hiến định các quyền cơ bản và bảo đảm lợi ích hợp pháp của con người, đó là “ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2013). Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 còn bổ sung và hoàn thiện quy định các quyền mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thể hiện vai trò làm chủ của người dân, như: quyền được giữ bí mật thông tin; quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương; quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và danh dự; quyền được sở hữu về thu nhập hợp pháp, về nhà ở; quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, được sống trong môi trường trong lành... Qua đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thực thi pháp luật về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Thứ hai, tích cực xây dựng và củng cố các thiết chế bảo đảm và thực thi quyền con người. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và các thiết chế bảo đảm quyền con người. Bộ máy nhà nước đã được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, chuyên môn hóa, hoạt động hiệu quả theo cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm hạn chế sự lạm dụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chú trọng xây dựng các cơ quan chuyên môn, chuyên trách bảo vệ quyền con người như Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ và các địa phương; xây dựng, hoàn thiện tổ chức của các cơ quan chuẩn bị báo cáo tình hình thực hiện các Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, chúng ta đang nghiên cứu và xúc tiến việc thành lập Ủy ban nhân quyền quốc gia để theo dõi, giám sát, tư vấn việc thực thi quyền con người trên các lĩnh vực từ ban hành, thực thi pháp luật đến điều tra, truy tố, xét xử, xem xét về tính tương thích của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người.
Thứ ba, tăng cường giáo dục, tuyên truyền, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội vào quá trình bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Thông qua các dự án, chương trình hợp tác, hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan ngoại giao, tư pháp, công an, báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về quyền con người, trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực thi pháp luật và nhân dân. Trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, Việt Nam coi trọng phát huy vai trò của hệ thống chính trị, “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên”8. Các hoạt động giáo dục, tuyên truyền luôn hướng tới tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới, trợ giúp pháp lý cho các nhóm xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về bảo vệ và thực thi quyền con người. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam chủ động tham gia ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế, nghị định thư, đối thoại quốc tế liên quan đến quyền con người. Việt Nam là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, có nhiều đóng góp tích cực vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban Thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN (ACWC)... Việt Nam nghiêm túc, nỗ lực thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ, các cam kết quốc tế trong hiện thực hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong hệ thống pháp luật, chính sách và hoạt động thực tiễn; xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách trong nước phù hợp và tuân thủ các quy định của Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên; sẵn sàng đối thoại và kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền con người.
Các thành tựu về bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận
Ở Việt Nam, các quyền cơ bản của con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng; được bảo đảm trên thực tế và được bảo vệ theo pháp luật; ngày càng phát triển, lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống và thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt tiến trình cách mạng, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc và nỗ lực chăm lo, bảo đảm cuộc sống mọi mặt cho người dân và đó là sự khẳng định Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ thực tiễn bảo đảm, bảo vệ, thực thi quyền con người đã hình thành hệ thống quan điểm nhất quán: Quyền con người là giá trị chung của nhân loại; quyền con người gắn liền với quyền dân tộc và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia; bảo đảm quyền con người là bản chất, mục tiêu, động lực của chế độ xã hội chủ nghĩa; quyền tự do, dân chủ của mỗi cá nhân kết hợp hài hòa với quyền của tập thể và không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng pháp luật; trách nhiệm của Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực thực hiện, ngày càng hoàn thiện và nâng cao các quyền con người; chủ động, tích cực hợp tác quốc tế vì quyền con người. Trong quá trình bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền con người, bên cạnh việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng xã hội học tập, phát triển hệ thống giáo dục, chăm lo y tế, phát triển đường giao thông, lưới điện quốc gia..., Đảng, Nhà nước luôn quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống của người nghèo, người yếu thế, các đối tượng chính sách, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là nội hàm của phát triển bền vững, là chương trình hành động quốc gia thể hiện tính nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa và truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc.
Đảng, Nhà nước ta nỗ lực chăm lo, bảo đảm cuộc sống mọi mặt cho người dân, nhất là người yếu thế trong xã hội. Ảnh: Đào Anh Tuấn
Thành tựu về bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam trong hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng thể hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực, trước hết là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội. Sau 35 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô 14 tỷ USD (năm 1985), đến năm 2020 là 343 tỷ USD (tăng 24,5 lần), GDP bình quân đầu người 3.521 USD. Năm 2020, tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong danh sách 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, thực hiện được “mục tiêu kép”: vừa duy trì kinh tế tăng trưởng dương ở mức khá, vừa đẩy mạnh phòng, chống, kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm cuộc sống của người dân. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố là 0,704, xếp thứ 110/189 quốc gia, tăng 7 bậc (năm 2019 là 0,63, xếp thứ 117/189); tuổi thọ trung bình tăng 4,8 năm; số năm đi học tăng 4,3 năm... nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng chỉ số HDI cao nhất thế giới. Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy và thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng, an toàn, an sinh xã hội. Tỷ lệ người nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), bình quân giảm 1,42% mỗi năm. Năm 2020, cả nước có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí... 9.
Đảng, Nhà nước xác định mục tiêu xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với hàm ý luôn nỗ lực cao nhất để bảo đảm và gắn kết quyền sung sướng (dân giàu) với quyền tự do (dân chủ) cho nhân dân và đây là cam kết chính trị của Việt Nam cùng các quốc gia, cộng đồng quốc tế thực hiện có hiệu quả những giá trị phổ quát về quyền con người. Quốc hiệu và tiêu ngữ mở đầu văn bản từ khi thành lập chính quyền cách mạng đến nay luôn nhất quán “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đồng nghĩa với mục tiêu trước sau như một, Đảng và Nhà nước kiên trì bảo đảm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Từ một xứ thuộc địa lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền, một nước đang phát triển có thu nhập trung bình; được cộng đồng quốc tế ghi nhận là quốc gia tiên phong trong bảo đảm quyền con người, là điểm sáng khi thực hiện thành công trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững, không ai bị ở lại phía sau của Liên hợp quốc. Dưới góc độ từng người dân, quyền con người không gì quan trọng hơn, cao hơn đó là quyền được sống trong hòa bình, có việc làm, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm an toàn. Trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn trong đại dịch COVID-19 thì ở Việt Nam, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, nhưng người dân vẫn được Chính phủ quan tâm, chăm lo bảo đảm cuộc sống. Đây là lý do để Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam nằm trong tốp 10 “quốc gia đáng sống” nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã có những bước tiến bộ vượt bậc trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện. Đồng thời, đây là những minh chứng cao nhất về quyền con người được bảo đảm và bảo đảm tốt ở Việt Nam. Vì vậy, nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và nhân loại tiến bộ ghi nhận những nỗ lực, sự tiến bộ và kết quả quan trọng của Việt Nam trong bảo đảm và thực thi quyền con người. Trên thực tế, đã có 184/193 nước bỏ phiếu tán thành Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, 192/193 nước nhất trí bầu Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Những kết quả trên là sự thật không thể đảo ngược, là sự khẳng định mạnh mẽ rằng quyền con người, quyền công dân đang được bảo đảm vững chắc ở Việt Nam; đồng thời, là lời phản biện thuyết phục đối với những luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, giải pháp về quyền con người, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp cận quyền con người trên phương diện chính trị - xã hội; gắn quyền con người với an ninh quốc gia, an ninh con người và quyền của quốc gia - dân tộc; lấy con người giữ vị trí trung tâm gắn với phát triển con người toàn diện và đề cao vai trò chủ thể của con người trong chiến lược phát triển đất nước; coi trọng công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước và phát huy những thành tựu của công cuộc đổi mới nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy việc thực thi quyền con người trên tất cả các lĩnh vực. Khai thác tối đa các nguồn lực, “phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản”10. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh và phúc lợi xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Triển khai “nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”11. Đặc biệt, coi trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người; đồng bộ hóa các quy định pháp lý và đưa các quy định đó vào thực tiễn cuộc sống của người dân một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội của Việt Nam và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Mở rộng phạm vi quy mô, đa dạng hóa nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quyền con người. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về những thành tựu trong bảo đảm, bảo vệ, hiện thực hóa quyền con người trên các diễn đàn quốc tế, khu vực. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác để nâng cao sự hiểu biết, đồng thuận, từng bước thu hẹp bất đồng và sự khác biệt giữa Việt Nam với các đối tác trong bảo đảm và thực thi quyền con người. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền con người của nhân dân Việt Nam./.
Trần Đức Tiến
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Tâm Trang (st)
-------------------
1. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên): Giáo trình Lý luận và Pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr. 37 - 38
2. Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 560
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 1
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 117
5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 169
6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 71
7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 27 - 28
8. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 172
9. Bảo Như: “Hiện thực hóa quyền con người bằng những chính sách thiết thực, việc làm nhân văn”, báo Quân đội nhân dân điện tử https://www.qdnd.vn, ngày 7-12-2020
10, 11. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 264, 177