1. Chính phủ: Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện
Theo đó, Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương tại văn bản số 523/BC-BCT ngày 23/8/2021.
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách, chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.
Ảnh minh họa/ Internet
2. Bộ Y tế: Quyết định số 4156/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người COVID-19 nhiễm tại nhà
Cụ thể, tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà gồm:
- Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà;
- Hướng dẫn Chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 tại nhà.
Tài liệu này được áp dụng đối với cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để hướng dẫn cho người nhiễm COVID-19 và người chăm sóc người nghiễm COVID-19 tự chăm sóc tại nhà.
Những việc cần chuẩn bị:
Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà, ngay khi được thông báo về việc cách ly người nhiễm tại nhà, các thành viên trong nhà chuẩn bị các nội dung sau:
- Lưu lại các số điện thoại: đường dây nóng phòng chống dịch; người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại cần thiết khác.
- Xác định và thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.
- Phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm (nếu cần).
- Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu:
+ Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2-3 tuần);
+ Găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2-3 tuần);
+ Nhiệt kế: thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp;
+ Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng để lót bên trong thùng;
+ Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân;
+ Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày;
+ Các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sỹ đối với người nhiễm (nếu có).
Lưu ý:
- Khi một người trong nhà bạn nhiễm COVID-19, có nghĩa là bạn và những người khác trong nhà cũng đã có thể nhiễm, do đó cũng phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
- Không cần quá lo lắng tích trữ nhiều thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức sẽ giúp đỡ gia đình trong thời gian cách ly tại nhà.
3. Bộ Y tế: Quyết định số 4152/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời “Hội chẩn từ xa cho người bệnh COVID-19 nặng giữa các cơ sở điều trị”
Hướng dẫn tạm thời “Hội chẩn từ xa cho người bệnh COVID-19 nặng giữa các cơ sở điều trị” được áp dụng tại các cơ sở được giao nhiệm vụ điều trị người bệnh COVID-19 tuyến dưới và các cơ sở điều trị COVID-19 của tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.
* Các hoạt động chuẩn bị hội chẩn đối với cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới:
- Có thông báo qua các phương tiện thông tin liên lạc đối với cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên để xin hội chẩn
- Đối với người bệnh:
+ Lập danh sách người bệnh cần hội chẩn tại bệnh viện
+ Làm hồ sơ, bệnh án của người bệnh để trình chiếu
+ Bổ sung các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nếu cần
- Thư ký buổi hội chẩn có trách nhiệm:
+ Báo cáo, mời Lãnh đạo bệnh viện chủ trì buổi hội chẩn
+ Mời các bác sĩ, điều dưỡng và các thành phần liên quan tham dự
+ Tham dự buổi hội chẩn
+ Làm biên bản buổi hội chẩn
- Hoạt động công nghệ thông tin: Kết nối đường truyền, chuẩn bị trình chiếu bệnh án để trình bày và các phương tiện công nghệ thông tin khác.
* Các hoạt động chuẩn bị hội chẩn đối với cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên:
- Thư ký buổi hội chẩn báo cáo Lãnh đạo để xin phép tổ chức hội chẩn, mời chủ trì, bác sĩ, chuyên gia chuyên khoa phù hợp
- Hoạt động công nghệ thông tin: chuẩn bị phòng, các phương tiện cần thiết để tổ chức Hội chẩn
* Quy trình thực hiện:
- Bước 1: Thực hiện kết nối trước buổi hội chẩn 15 phút (bộ phận kỹ thuật của các đầu cầu đảm trách).
- Bước 2: Các đầu cầu giới thiệu thành phần tham gia hội chẩn.
- Bước 3: Bệnh viện tuyến dưới báo cáo ca bệnh.
- Bước 4: Tiến hành hội chẩn sau mỗi báo cáo.
- Bước 5: Thống nhất biên bản hội chẩn.
4. Bộ Y tế: Công văn số 7138/BYT-TB-CT ngày 27/8/2021 về việc đôn đốc đảm bảo oxy y tế
Cụ thể, rút kinh nghiệm từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhu cầu sử dụng oxy y tế để điều trị bệnh nhân COVID-19 là rất cao, sử dụng chai oxy dạng khí nén sẽ có nhiều hạn chế.
Do đó, tại Công văn này, Bộ Y tế yêu cầu các nội dung sau đây:
- Rà soát, cập nhật kế hoạch phương án triển khai thiết lập các cơ sở điều trị và chuẩn bị hạ tầng, thiết bị như chai, bình, bồn oxy… để sẵn sàng nguồn cung ứng oxy y tế cho cấp cứu, điều trị người bệnh trong tình huống ca mắc COVID-19 tăng cao.
- Nghiên cứu, khẩn trương nâng cấp, lắp đặt hệ thống bồn chứa oxy, các thiết bị đầu cuối sử dụng oxy hóa lỏng, đặc biệt là cơ sở điều trị bệnh nhân mức độ vừa và nặng (thuộc tầng 2 tháp điều trị) và điều trị bệnh nhân mức độ nặng, nguy kịch (thuộc tầng 3 của tháp điều trị).
- Chủ động chỉ đạo, tính toán, lựa chọn hệ thống thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng oxy y tế của địa phương, dự phòng đến mức sử dụng cao hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng oxy y tế tăng đột biến khi xảy ra trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
- Bổ sung bồn oxy lỏng, các đường cấp khí, van giảm áp, đầu giắc nối đến giường bệnh, mask, dây thở… đáp ứng yêu cầu điều trị.
- Phân công cán bộ theo dõi liên tục, thường xuyên về nhu cầu, lượng oxy cần bổ sung tại đơn vị; khuyến khích lắp đặt thiết bị theo dõi tự động lượng oxy trong bồn để có dự báo, đảm bảo theo dõi oxy được cung cấp đầy đủ…
5. Bộ Y tế: Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng
Theo đó, tại Quyết định này, Bộ Y tế hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp ba tầng gồm:
- Tầng 1: Cơ sở thu dung, điều trị cho người nghi nhiễm đang chờ xét nghiệm khẳng định và các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng và nhẹ; chuyển người bệnh tự theo dõi tại nhà…
- Tầng 2: Tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng;
- Tầng 3: Tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm COVID-19 ở mức độ nặng và nguy kịch.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng tháp điều trị ba tầng này, không bố trí phụ nữ mang thai, mắc bệnh mạn tính như hen phế quản, tim phổi mạn, suy thận, suy gan, suy tim, ung thư, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch… làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Đồng thời, Quyết định này cũng có những quy định khác như:
- Nghiêm túc thực hiện biện pháp 5K với tất cả nhân viên y tế, người bệnh…
- Giảm tối đa số nhân viên tiếp xúc trực tiếp với nhau trong ca làm việc và giữa các ca với nhau; hạn chế việc di chuyển của nhân viên y tế giữa các khu vực một cách tối đa; áp dụng họp, giao ban online thay cho trực tiếp.
- Có kế hoạch cách ly nhân viên y tế sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ tại trong khuôn viên cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 hoặc tại khách sạn, nhà khách…
6. Bộ Y tế: Quyết định số 4109/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời “Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà”
Theo đó, ban hành hướng dẫn tạm thời “Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà” kèm theo Quyết định này.
- Các nhóm thuốc trong Danh mục, bao gồm:
+ Thuốc hạ sốt, giảm đau;
+ Thuốc cân bằng điện giải;
+ Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng;
+ Thuốc sát khuẩn hầu họng;
+ Thuốc kháng vi rút;
+Thuốc chống viêm corticosteroid;
+ Thuốc chống đông máu.
- Thuốc kháng vi rút: Hiện nay chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp hoặc cấp phép lưu hành chính thức. Thuốc được dùng trong chương trình thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu tại cộng đồng theo đề cương nghiên cứu được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học - Bộ Y tế thông qua và Bộ Y tế cho phép triển khai.
- Thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu
+ Thực hiện kê đơn điều trị ngoại trú theo quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về Đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và Thông tư 18/2018/TT-BYT ngày 22/8/2018 của Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT.
+ Kê đơn các thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) được ban hành kèm theo Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, các hướng dẫn có liên quan, trên nguyên tắc như sau: chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp mà chưa kịp chuyển người bệnh COVID-19 đến cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch và người bệnh không thuộc phạm vi chống chỉ định của thuốc (theo hướng dẫn sử dụng thuốc trong giấy phép đăng ký lưu hành sản phẩm). Các dấu hiệu suy hô hấp là:
(1) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc khó thở tăng lên khi vận động (đứng lên, đi lại trong nhà) hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào, và/hoặc
(2) Nhịp thở (ở trẻ em đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc):
≥ 21 lần/phút ở người lớn;
≥ 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi;
≥ 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi;
và/hoặc
(3) SpO2 < 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
c) Khi kê đơn, lưu ý kiểm tra kỹ các chống chỉ định, khai thác thông tin về các thuốc người bệnh đang sử dụng để tránh các tương tác thuốc nghiêm trọng khi kê đơn. Tư vấn cho người bệnh hoặc người chăm sóc nhận biết một số tác dụng không mong muốn quan trọng của thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí phù hợp trong quá trình sử dụng.
Hướng dẫn tạm thời “Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà” được áp dụng tại các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà và theo sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương.
7. Bộ Giao thông vận tải: Thông báo số 324/TB-BGTVT ngày 26/8/2021 kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố về vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Theo đó, thay mặt Lãnh đạo các bộ: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giải quyết khó khăn và ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm soát dịch bệnh đối với người điều khiển phương tiện vận tải, người tham gia bốc dỡ hàng hóa tại một số tỉnh, thành phố 324 26 2 còn hạn chế, bất cập, dẫn đến ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hoá phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân; hàng nông sản; nguyên vật liệu cho sản xuất nông nghiệp; hàng hóa xuất, nhập khẩu…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên, bảo đảm vận tải hàng hóa thông suốt, tránh không làm đứt gãy chuỗi lưu thông, cung ứng, tiêu thụ hàng nông sản; hàng hóa xuất, nhập khẩu..., nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Để duy trì được hoạt động lưu thông hàng hóa phòng, chống dịch bệnh, nhu yếu phẩm; nông sản; hàng hóa nguyên vật liệu cho sản xuất nông nghiệp, xuất, nhập khẩu cho nhân dân và doanh nghiệp, lúc này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu (trừ hàng cấm).
- Hiện nay, tất cả các tuyến vận tải (quốc lộ, đường thủy nội địa, hàng hải...) đều là luồng xanh, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho cho các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Các tỉnh, thành phố không được lập trạm kiểm tra, trung chuyển hàng hóa gây ùn tắc giao thông, cản trở việc vận chuyển hàng hóa trên các tuyến quốc lộ.
- Phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021, Văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Đồng thời, phải triển khai thống nhất, đồng bộ các qui đinh, hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan về công tác vận tải, lưu thông, cung ứng hàng hóa tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện qui định giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
- Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải hàng hóa. Không thực hiện các thủ tục, cấp tờ vận chuyển hàng hóa thủ công.
- Chỉ tập trung thực hiện tiền kiểm, hậu kiểm về vận chuyển hàng hóa đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm vận chuyển hàng hóa không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
- Tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Không để tình trạng ùn tắc giao thông, gây bức xúc cho người dân tại các chốt kiểm tra dịch bệnh COVID-19.
- Các tỉnh, thành phố phải chấp nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 của nhau và thống nhất về hiệu lực của kết quả xét nghiệm trong 72 giờ.
- Triển khai công tác tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành 3 kèm theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2021 của Bộ GTVT và Văn bản số 135/CV-UBATGTQG ngày 25/8/2021 của Chủ tịch UBATGTQG về việc đảm bảo an toàn giao thông và thuận lợi cho vận chuyển nông sản, hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp; xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
- Rà soát kỹ lưỡng các qui định của địa phương mình liên quan đến kiểm soát phương tiện, người điều khiển phương tiện gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 để thống nhất thực hiện. Không ban hành qui định làm phát sinh thủ tục kiểm tra, làm tăng chi phí, thời gian; gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
-. Ưu tiên tiêm chủng Vaccine phòng dịch Covid - 19 cho người điều khiển phương tiện và người tham gia vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa.
- Thực hiện trực tuyến việc cấp mã Qrcode cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và cấp giấy đi đường cho người tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
- Không trung chuyển hàng hóa đối với các phương tiện giao thông đã được cấp mã Qrcode để gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
- Tăng cường tham gia vào các nhóm kết nối Zalo và các đường dây nóng của các bộ, ngành, địa phương để kịp thời nắm bắt thông tin và phối hợp xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân, đảm bảo giao thông thông suốt.
- Yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương báo cáo Bộ việc phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an về việc tích hợp Phần mềm cấp giấy nhận diện gắn mã QRcode cho phương tiện với Phần mềm quản lý dữ liệu dân cư, để cấp trực tuyến (mức độ 4), nhằm thống nhất đầu mối quản lý và bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, cũng như doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân nắm bắt kịp thời các thông tin về qui định, hướng dẫn của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại địa phương.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công văn số 3636/BGDĐT-GDTH ngày 26/8/2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022
Theo Công văn, trong thời gian học sinh không thể đến trường để phòng chống dịch COVID-19, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các giải pháp như sau:
- Đối với học sinh lớp 1 và lớp 2
Các cơ sở giáo dục chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh; lựa chọn những nội dung cần thiết để hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế vào học lớp 1 và duy trì việc học tập đối với học sinh lớp 2; chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin đầy đủ về đối tượng học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 trên địa bàn để tham mưu chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với học sinh gặp khó khăn, gia đình không thể hỗ trợ các em học tập trong thời gian ở nhà; sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập và có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn.
Tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến; giáo viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; cha mẹ học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà; thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh; ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.
Trong trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định, các cơ sở giáo dục phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1”2 đã được Bộ GDĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng để giúp học sinh lớp 1 học phần Học vần môn Tiếng Việt được phát trên sóng (kênh) VTV7 và các ứng dụng khác bắt đầu từ ngày 06/9/20213; hướng dẫn giáo viên sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến cha mẹ học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email..., phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.
Các Sở GDĐT sử dụng kho bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” và chủ động tổ chức xây dựng kho bài giảng dùng chung cho các môn học khác để tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) chỉ đạo phát sóng trên đài truyền hình địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) với khung giờ phù hợp, tạo điều kiện thuận tiện cho cha mẹ học sinh hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học tập qua truyền hình và gửi về các nhà trường để giáo viên gửi đến cha mẹ học sinh cùng phối hợp hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.
- Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5
Sử dụng hiệu quả kho học liệu sẵn có và tổ chức xây dựng kho học liệu bổ sung, sẵn sàng tổ chức dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập” của ngành Giáo dục.
Thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn cho học sinh tự học. Tổ chức dạy học qua truyền hình4, dạy học trực tuyến5 đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, kỹ năng của giáo viên, khả năng tiếp thu, lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.
Các cơ sở giáo dục căn cứ vào Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và vận dụng hợp lý hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo Công văn số 1125/BGDĐT-GDTH ngày 31/3/2020 để điều chỉnh, thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học, thực hiện tinh giản và dạy học các nội dung cốt lõi cho phù hợp.
Trong trường hợp khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 được quy định tại Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT không đủ để thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, các cơ sở giáo dục tổng hợp về Sở GDĐT để báo cáo Bộ GDĐT đề xuất phương án điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
9. UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 2801/UBND-NC ngày 27/8/2021 về triển khai các nhiệm vụ tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố
Tại Công văn này, bên cạnh việc yêu cầu Công an Thành phố siết chặt kiểm soát tại 23 chốt vào Thành phố kể cả xe công vụ, xe cứu thương, xe luồng xanh, UBND Thành phố Hà Nội còn yêu cầu cơ quan này kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng giấy đi đường.
Trong đó, cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:
- Nghiên cứu, tham mưu cho UBND quy định rõ trên nguyên tắc thực hiện đúng Chỉ thị 16 với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cung ứng mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các lĩnh vực không thiết yếu…
- Tham mưu quy định, phương án cụ thể về kiểm soát hiệu quả việc di chuyển của người dân như khung giờ, đối tượng được di chuyển… cùng với các dấu hiệu nhận diện với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tham gia lưu thông.
- Chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô có các giải pháp thực hiện nghiêm việc giãn cách trong khu vực phong tỏa.
Đồng thời, trong dịp nghỉ Quốc khánh 02/9 này, Công an Hà Nội phải tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…
10. UBND Thành phố Hà Nội: Công văn số 2795/UBND-NC ngày 26/8/2021 về việc triển khai ứng dụng phần mềm khai báo COVID-19, kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Tại Công văn, UBND Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm khai báo y tế trên trang web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn tại:
- 23 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố (do lực lượng Công an Thành phố làm chốt trưởng) ở các cửa ngõ chính ra - vào Thủ đô.
- 44 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 của các huyện, thị xã giáp ranh với các tỉnh, địa phương khác.
- Khi điều kiện cho phép, chủ động triển khai đối với 789 tổ tuần tra, kiểm soát dịch của công an các quận, huyện, thị xã.
Tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, cán bộ, chiến sĩ công an thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn như sau:
- Trường hợp người dân có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối internet: Yêu cầu người dân di chuyển qua chốt kê khai thông tin tại website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn;
- Trường hợp người dân không có điện thoại thông minh: Cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch phát mẫu phiếu khai báo y tế cho người dân để kê khai; xác thực thông tin người dân theo hướng dẫn của Bộ Công an.
UBND Thành phố cũng giao các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế để người dân và cán bộ, công nhân viên hiểu rõ, nắm chắc, chủ động tham gia khai báo trước thông tin biến động ra, vào Thành phố.
Việc triển khai phần mầm khai báo này phố nhằm tạo điều kiện cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt giải quyết các trường hợp công dân ra, vào Thành phố được nhanh chóng, bảo đảm việc lưu thông thông suốt trên các chốt, tránh ùn tắc, tập trung đông người dân tại chốt khai báo, dễ dẫn đến lây nhiễm dịch COVID-19.
11. UBND Thành phố Hà Nội:Công văn số 2801/UBND-NC ngày 27/8/2021 về triển khai các nhiệm vụ tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố
Cụ thể, UBND giao nhiệm vụ cho Công an Thành phố chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn tổ chức ký cam kết đến từng gia đình không ra ngoài đường khi không có lý do chính đáng và khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, cơ quan này cũng phải tham mưu cho UBND về phương án cụ thể nhằm kiểm soát hiệu quả việc di chuyển của người dân như khung giờ, đối tượng được di chuyển; hướng dẫn cơ quan xác định các dấu hiệu nhận diện với cán bộ, công chức, người lao động khi lưu thông…
Đặc biệt, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Công an Thành phố có văn bản tham mưu, đề xuất các nội dung trên trước ngày 30/8/2021.
Ngoài ra, Công an TP. Hà Nội cũng phải thường xuyên đề xuất các giải pháp xử lý trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng; các đơn vị, tổ chức cấp giấy phép đi đường không đúng quy định…
Bên cạnh đó, tại Công văn này, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với Sở Y tế tổng hợp các nội dung cần đề xuất Bộ Quốc phòng hỗ trợ giúp Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch.
Thu Hiền (tổng hợp)