Năm 2016, trang thống kê hàng đầu Parse.ly từng công bố một thông số quan trọng: Lần đầu lượng người đọc các trang tin tức từ nền tảng mạng xã hội đã vượt số người đọc từ công cụ tìm kiếm.
Cùng với sự trỗi dậy của trang BuzzFeed, vốn nổi lên bằng cách đưa những thông tin dạng “viral” trên mạng xã hội, các chuyên gia đã tỏ ra hồ hởi khi nói về kỷ nguyên của truyền thông xã hội. Những khái niệm mới mẻ như “Facebook/Twitter is New Homepage” hay “No Breaking’s Faster Than Tweet” được đón nhận nồng nhiệt.
1. Cơn hứng khởi với các nền tảng mạng xã hội tiếp tục được cổ vũ bằng chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ, với công lớn thuộc về những dòng tweet.
Khi vạch ra ranh giới giữa mình và báo chí chính thống, ông Trump cũng lập tức “phong hậu” cho các nền tảng mạng xã hội. Cánh phóng viên theo dõi Nhà trắng thậm chí còn nói đùa: Hãy lập tài khoản Twitter, nếu không muốn “đói tin” về Tổng thống.
Theo thống kê, từ khi gia nhập Twitter tháng 5/2009 cho đến khi bị mạng xã hội này đóng tài khoản đầu năm 2021, ông Trump đã 59.553 lần chia sẻ dòng trạng thái (cả tweet lẫn retweet - chia sẻ lại). Trong khi đó, số lần ông tổ chức họp báo riêng ở Nhà trắng trong suốt ba năm đầu làm Tổng thống chỉ đếm trên đầu ngón tay (chính xác là chín lần từ năm 2017 đến 2019, riêng năm 2020 là 35 lần).
2. Dĩ nhiên, không chỉ nhờ có Trump mà Twitter mới được giới báo chí ưa chuộng đến vậy. Nếu như năm 2001, người ta phải bật kênh CNN lên để theo dõi Mỹ tiến công Afghanistan thì 20 năm sau, Twitter mới là “trận địa” sôi động nhất với vô vàn đoạn video livestream cảnh lực lượng Taliban tiến vào Kabul, hay cảnh người tị nạn bám càng máy bay.
Hãng Reuters đã tận dụng đặc tính “nóng sốt” của Twitter mà duy trì vị thế hàng đầu của mình khi sử dụng một công cụ trí tuệ nhân tạo có tên News Tracer để lọc 12 triệu dòng tweet mỗi ngày bằng nhiều thứ tiếng, qua đó phát hiện sớm những tin nóng hổi ở mọi ngóc ngách trên thế giới. Đâu đó có vụ động đất, khủng bố, hay tai nạn nghiêm trọng nào thì Reuters cũng đều có thể đưa tin sớm nhất.
Các cơ quan chính phủ cũng không bỏ lỡ cơ hội tận dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền tải thông điệp đến thẳng người dùng, thay vì qua cấp trung gian là các cơ quan truyền thông. Cơ chế “tick xanh” và “hashtag” càng tạo điều kiện để các tin tức chính thống được lan tỏa nhanh hơn.
Mặc dù vậy, không phải mọi thứ trên mạng xã hội đều là mầu hồng. Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy trên Twitter, tin giả, tin sai lệch có độ lan truyền nhanh gấp 10-20 lần thông tin thật! Và điều đáng nói là, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí uy tín Science hồi năm 2017, chính con người góp phần lan truyền những tin tức nguy hại đó nhanh chóng hơn, chứ không phải các con bot mà chúng ta lo ngại bấy lâu.
Nhóm các nhà nghiên cứu của MIT cho rằng đặc tính tâm lý của con người là thích nghe những câu chuyện hư cấu, càng “sến sẩm” càng tốt. Thêm vào đó, ai ai cũng muốn là người đầu tiên chia sẻ những tin tức mà người khác chưa biết. “Chưa biết” cũng đồng nghĩa với việc các tin tức đó nhiều khả năng chưa được kiểm chứng, dẫn đến việc tin sai lệch có độ lan tỏa mạnh hơn tin tức đã được xác thực.
Sự bùng nổ của tin tức giả, đặc biệt là trong kỳ bầu cử Mỹ vừa qua, đã khiến Twitter (cũng như Facebook) phải thắt chặt việc kiểm duyệt trên nền tảng của mình. Thậm chí, chính ông Trump cũng đã bị hai nền tảng nói trên khoá tài khoản vô thời hạn. Cũng bởi vậy, vai trò và trách nhiệm “kiểm chứng thông tin” của báo chí chính thống lại càng trở nên quan trọng.
3. Việc dán nhãn các bài đăng, hoặc có nút báo cáo vi phạm, đáng ra là việc phải làm từ lâu.
Bởi, không ai có thể nhân danh cái gọi là “tự do ngôn luận”, một khái niệm mù mờ tùy thuộc vào quan điểm của bên diễn giải, để bỏ qua những tiêu chuẩn cộng đồng, nhất là khi nhân loại phải đương đầu với những mối nguy hiểm như đại dịch Covid-19. Hay như mới đây, Facebook đã bỏ qua một video dọa đánh bom Đồi Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ), để nghi phạm livestream tới hàng giờ đồng hồ. Theo các chuyên gia thì mạng xã hội này đã không chịu đầu tư vào công nghệ “hashing” (như cách YouTube quét các video vi phạm bản quyền hoặc khiêu dâm trẻ em) để loại bỏ các nội dung vi phạm.
Vì vậy, các “gã khổng lồ công nghệ” cũng không thể chối bỏ trách nhiệm, mà việc hợp tác với các chính phủ là điều họ cần phải thực hiện. Thực tế cũng đã chứng minh: Lợi nhuận mới là mối quan tâm lớn nhất của các nền tảng xuyên biên giới ấy, thay vì những mỹ từ mà họ vẫn rao giảng. Thỏa hiệp cũng là điều mà họ thường xuyên thực hiện mỗi khi muốn đặt chân vào những thị trường lớn, chẳng hạn như Trung Quốc.
Thị trường xấp xỉ 100 triệu dân của Việt Nam, nói gì thì nói, cũng là “mỏ vàng” mà các nền tảng kia không thể bỏ qua...
Tại Việt Nam, cả trang Facebook lẫn Twitter của Chính phủ đều có lượng người theo dõi và tương tác rất lớn, trong khi các trang Twitter của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao được các tài khoản nước ngoài retweet đều đặn.
Hoàng Nhật
Theo Báo Nhân Dân
Tâm Trang (st)